Lễ Phục Sinh 2025 là thứ mấy, ngày bao nhiêu, có ý nghĩa gì? Người lao động có được nghỉ vào ngày Lễ Phục Sinh 2025 không?
Lễ Phục Sinh 2025 là thứ mấy, ngày bao nhiêu, có ý nghĩa gì?
Lễ Phục Sinh là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Kitô giáo, kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh từ cõi chết sau khi chịu khổ nạn và bị đóng đinh trên thập giá. Đây không chỉ là một sự kiện lịch sử quan trọng mà còn là nền tảng đức tin của người Công giáo, đánh dấu chiến thắng của sự sống trước cái chết, mang lại niềm hy vọng về sự cứu rỗi và sự sống đời đời.
Lễ Phục Sinh không có ngày cố định mà được tính theo lịch âm dương. Theo quy ước của Giáo hội, Lễ Phục Sinh luôn diễn ra vào Chủ Nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên của mùa xuân (sau Xuân phân 21/3).
Năm 2025, Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 20/4/2025.
Lễ Phục Sinh của Chính thống giáo (theo lịch Julian) sẽ diễn ra vào ngày 27/4/2025, muộn hơn một tuần so với Công giáo.
*Ý nghĩa của Lễ Phục Sinh
(1) Kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh – Trung tâm của đức tin Kitô giáo
Lễ Phục Sinh đánh dấu sự Phục Sinh của Chúa Giêsu sau ba ngày chịu chết trên thập giá, đúng như lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đây là minh chứng rằng Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, chiến thắng tội lỗi và sự chết, mang lại niềm tin và hy vọng về sự sống đời đời cho toàn thể nhân loại.
Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không chỉ thể hiện quyền năng của Thiên Chúa mà còn mở ra cánh cửa cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài. Đây chính là nền tảng của Kitô giáo, là dấu ấn thiêng liêng nhất mà mọi tín hữu luôn hướng về.
(2) Kết thúc Mùa Chay và Tam Nhật Vượt Qua
Lễ Phục Sinh cũng đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay, một giai đoạn kéo dài 40 ngày, trong đó các tín hữu thực hành ăn chay, cầu nguyện, sám hối để chuẩn bị tâm hồn mừng sự Phục Sinh của Chúa.
Trước Lễ Phục Sinh là Tuần Thánh, trong đó có:
Thứ Năm Tuần Thánh (17/4/2025): Kỷ niệm Bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh.
Thứ Sáu Tuần Thánh (18/4/2025): Ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, là ngày ăn chay và kiêng thịt nghiêm ngặt.
Thứ Bảy Tuần Thánh (19/4/2025): Ngày yên lặng, tín hữu suy ngẫm về sự hy sinh của Chúa và chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Phục Sinh.
Sau đó, vào Chúa Nhật Phục Sinh, các tín hữu cử hành Thánh lễ trọng thể, hân hoan đón mừng sự Phục Sinh của Chúa.
(3) Biểu tượng của sự tái sinh, hy vọng và tình yêu thương
Lễ Phục Sinh không chỉ mang ý nghĩa về sự chiến thắng của Chúa Giêsu trước cái chết mà còn tượng trưng cho sự tái sinh, đổi mới và niềm hy vọng.
Trong cuộc sống hàng ngày, Lễ Phục Sinh nhắc nhở mỗi người về sự tha thứ, tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Đây là thời điểm để con người nhìn lại bản thân, sống vị tha hơn, bỏ qua những oán giận và hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Thông tin trên mang chính chất tham khảo.
Lễ Phục Sinh 2025 là thứ mấy, ngày bao nhiêu, có ý nghĩa gì? Người lao động có được nghỉ vào ngày Lễ Phục Sinh 2025 không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ vào ngày Lễ Phục Sinh 2025 không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, Lễ Phục Sinh 2025 không thuộc các ngày lể tết được quy định và người lao động cũng sẽ không được nghỉ.
Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể nghỉ làm vào ngày Lễ Phục Sinh 2025 nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Ngày Lễ Phục Sinh 2025 là ngày nghỉ hằng tuần của người lao động theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
- Ngày Lễ Phục Sinh 2025 rơi vào các trường hợp được nghỉ việc riêng có hưởng lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.
- Ngày Lễ Phục Sinh 2025 rơi vào các trường hợp được nghỉ việc riêng không hưởng lương của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 và thỏa thuận nghỉ làm không lương theo quy định tại khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.
- Người lao động xin nghỉ phép trong số ngày phép hằng năm của mình.
Lễ Phục Sinh có phải ngày lễ lớn không?
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo đó, Lễ Phục Sinh không phải ngày lễ lớn.



- Nghị quyết 27: Quyết định chính thức nhiệm vụ nào đột phá tạo nguồn lực cải cách chính sách tiền lương?
- Nghị định 29: Bắt buộc phải hoàn trả trợ cấp đối với CBCCVC thực hiện tinh giản biên chế trong trường hợp nào?
- Nghị định 67 sửa Nghị định 178: Quyết định mức hưởng lương hưu là 45% khi nghỉ hưu trước tuổi áp dụng cho đối tượng đóng BHXH bắt buộc bao nhiêu năm?
- Sáp nhập tỉnh: Tại sao lại đặt tên theo một tỉnh mà không ghép tên các tỉnh lại với nhau? Ai là người có thẩm quyền đổi tên tỉnh sau khi sáp nhập tỉnh?
- Công văn 444: Chốt nhóm CBCCVC được ưu tiên giải quyết chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc tại Nghị định 178, cụ thể như thế nào?