Không đi khám nghĩa vụ quân sự do vướng lịch làm việc có sao không?
Cơ quan nào có thẩm quyền khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?
Tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP có quy định như sau:
Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
a) Thành phần Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
- Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện gồm: bác sỹ, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, cán bộ chuyên môn Phòng Y tế, quân y Ban Chỉ huy quân sự huyện và các đơn vị có liên quan.
- Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự gồm:
+ 01 Chủ tịch: do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảm nhiệm;
+ 01 Phó Chủ tịch: Phó giám đốc phụ trách chuyên môn;
+ 01 Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng do cán bộ chuyên môn Phòng Y tế đảm nhiệm;
+ Các ủy viên khác.
- Số lượng ủy viên Hội đồng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhưng phải bảo đảm đủ số lượng và trình độ thực hiện khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 2, đủ bộ phận theo quy định tại Khoản 5 Điều này, trong đó phải có tối thiểu từ 3 - 5 bác sỹ. Khám về nội khoa, ngoại khoa phải do các bác sỹ nội khoa và ngoại khoa đảm nhiệm; các chuyên khoa khác, có thể bố trí bác sỹ hoặc y sỹ, kỹ thuật viên thuộc chuyên khoa đó đảm nhiệm.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì khi khám nghĩa vụ quân sự Hội đồng nghĩa vụ quân sự sẽ lập ra một Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện, gồm các thành phần được quy định như trên để thực hiện nhiệm vụ khám sức khỏe cho những đối tượng thuộc trường hợp cần xem xét khám để đi nghĩa vụ quân sự.
Không đi khám nghĩa vụ quân sự do vướng lịch làm việc có sao không? (Hình từ Internet)
Không đi khám nghĩa vụ quân sự do vướng lịch làm việc có sao không?
Tại Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.
5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.
6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đó là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hành vi này được hiểu là việc công dân không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Theo đó, nếu nhận được lệnh gọi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, ngay cả khi bận việc, người lao động cũng phải chấp hành. Nếu không đi khám theo lệnh gọi của Ban chỉ huy quân sự huyện, người lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Mức phạt đối với hành vi không đi khám nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào?
Tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên theo quy định trên nếu vắng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà có lý do chính đánh thì công dân sẽ không bị phạt. Theo Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BQP có hướng dẫn các trường hợp được xem là có lý do chính đáng bao gồm:
(1) Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải dẫn đến phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(2) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.
(3) Thân nhân được nêu trên của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.
(4) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
(5) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư 07/2023/TT-BQP.
Như vậy có lịch làm việc không thuộc các trường hợp có lý do chính đáng theo hướng dẫn nêu trên. Người lao động biết có lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không đi khám thì sẽ bị phạt từ 25.000.000 - 35.000.000 đồng.
Do đó, nếu không muốn bị phạt, người lao động cần nghiêm túc chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Nếu phải nghỉ làm để đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, người lao động cũng cần thông báo cho người sử dụng lao động biết để họ có thể chủ động sắp xếp công việc.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?