Giấy tờ có giá là gì? Ví dụ cụ thể? Người sử dụng lao động có được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng giấy tờ có giá không?
Giấy tờ có giá là gì?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
2. Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
3. Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
4. Chiết khấu giấy tờ có giá là nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước mua ngắn hạn các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi đến hạn thanh toán (sau đây gọi tắt là chiết khấu).
...
Theo đó giấy tờ có giá là một trong các loại tài sản. Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
Giấy tờ có giá là gì? Ví dụ cụ thể? Người sử dụng lao động có được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng giấy tờ có giá không? (Hình từ Internet)
Một số ví dụ về giấy tờ có giá?
Dưới đây là một số ví dụ về giấy tờ có giá:
- Cổ phiếu: Là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một phần vốn cổ phần của công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phiếu có quyền hưởng lợi tức và tham gia vào các quyết định của công ty.
- Trái phiếu: Là chứng chỉ xác nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành đối với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu có thể do chính phủ, công ty hoặc tổ chức tài chính phát hành.
- Chứng chỉ quỹ: Là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp trong quỹ đầu tư chứng khoán.
- Hối phiếu: Là lệnh vô điều kiện của người ký phát yêu cầu người bị ký phát thanh toán một số tiền nhất định cho người thụ hưởng vào một thời điểm xác định trong tương lai.
- Séc: Là lệnh của người ký phát yêu cầu ngân hàng thanh toán một số tiền nhất định từ tài khoản của mình cho người thụ hưởng.
- Kỳ phiếu: Là cam kết vô điều kiện của người lập kỳ phiếu thanh toán một số tiền nhất định cho người thụ hưởng vào một thời điểm xác định trong tương lai.
Người sử dụng lao động có được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng giấy tờ có giá không?
Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định;
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo đó người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng giấy tờ có giá khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Những người nào được quyền giao kết hợp đồng lao động với người lao động?
Theo Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động
1. Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
...
Theo như quy định trên thì những người sau đây sẽ đại diện cho bên người sử dụng lao động để tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Giáng sinh 2024 vào ngày mấy, thứ mấy? Giáng sinh là ngày gì? Giáng sinh có phải ngày lễ tết của người lao động không?
- Chính thức quy định mức tăng lương hưu cho toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền của cơ quan nào?
- Lương hưu chính thức không điều chỉnh tăng trong 06 tháng cuối năm 2025 cho người lao động đúng không?
- Nghị quyết 18: Hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương cán bộ công chức viên chức và người lao động tại đơn vị sự nghiệp y tế cần trích nguồn thu để lại để tạo nguồn, vậy tỷ lệ trích nguồn thu như thế nào?