Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn bao lâu?
Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo Điều 50 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.
2. Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
a) Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Hình thức tổ chức;
c) Địa chỉ hoạt động;
d) Phạm vi hoạt động chuyên môn;
đ) Thời gian làm việc hằng ngày.
3. Cơ sở đề nghị cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động mà phải cấp mới, cấp lại, điều chỉnh.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phải cập nhật thông tin liên quan đến việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
5. Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 48 của Luật này; quy định mẫu giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các điều kiện đặc thù đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Như vậy, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thời hạn.
Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn bao lâu? (Hình từ Internet)
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng điều kiện sau:
- Được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Có cơ cấu tổ chức phù hợp với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Có địa điểm hoạt động;
- Có cơ sở vật chất phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
- Có đủ thiết bị y tế, phương tiện phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn và mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ có một người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 15 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
...
15. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có giấy phép hoạt động;
b) Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;
c) Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.
...
Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo điểm a khoản 6 và điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
...
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
...
c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;
...
Căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?