Có được thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo ca?
Có được thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo ca?
Việc bố trí ca làm việc hợp lý không chỉ đem lại hiệu quả về năng suất lao động mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Hiện nay, để đảm bảo tính liên tục trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp người lao động làm việc 12 giờ/ngày
Tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc của người lao động được xác định như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
...
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Theo đó, người sử dụng lao động có thể sắp xếp ca làm việc bình thường cho người lao động tối đa là 8 giờ/ngày khi làm việc theo ngày và 10 giờ/ngày khi làm việc theo tuần.
Như vậy, việc thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động sẽ vi phạm quy định về giờ làm việc.
Có được thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động đối với người lao động làm việc theo ca? (Hình từ Internet)
Hợp đồng lao động có thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày thì có giá trị pháp lý không?
Theo như phân tích đã nêu trên, việc thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động là vi phạm quy định về giờ làm việc. Kéo theo đó, nội dung này sẽ bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ Luật Lao động 2019.
Hợp đồng lao động vô hiệu
1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Như vậy, việc thỏa thuận làm việc 12 giờ/ngày trong hợp đồng lao động sẽ khiến hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần, phần vô hiệu đó không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì xử lý như thế nào?
Tại Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 quy định về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
...
Đồng thời, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần như sau:
Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần
Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.
....
Theo đó, khi hợp đồng lao động vô hiệu từng phần sẽ được xử lý như sau:
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; nếu có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?