Chuyển đổi nghề nghiệp là gì? Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc là gì?
Chuyển đổi nghề nghiệp là gì?
Hiện nay pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thuật ngữ "chuyển đổi nghề nghiệp là gì". Tuy nhiên, có thể hiểu chuyển đổi nghề nghiệp là quá trình một cá nhân thay đổi công việc hoặc lĩnh vực nghề nghiệp nào đó sang một ngành nghề mới, có thể khác biệt hoàn toàn với công việc trước đó.
Thông thường, quá trình này thường diễn ra bởi một số nguyên nhân sau:
- Công việc hiện tại không còn phù hợp hoặc không mang lại cơ hội phát triển đối với người lao động
- Xu hướng thị trường thay đổi, khiến nghề cũ không còn nhu cầu.
- Cá nhân muốn khám phá lĩnh vực mới, theo đuổi đam mê hoặc môi trường làm việc tốt hơn.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Chuyển đổi nghề nghiệp là gì? Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc là gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc là gì?
Căn cứ tại Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định:
Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:
1. Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;
2. Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;
3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc là:
- NLĐ bị suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động từ 31% trở lên;
- Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;
- NLĐ đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 14 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định:
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định này.
2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
3. Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.
Theo đó, hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động gồm:
- Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP Tại đây.
- Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên kinh tế đúng không?
Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định mức lương tối thiểu như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Theo quy định trên mức lương tối thiểu có thể sẽ được điều chỉnh dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra còn dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Lê Bửu Yến









