Đào tạo ngoài công việc là gì, ví dụ? Ưu nhược điểm của đào tạo ngoài công việc ra sao?
Đào tạo ngoài công việc là gì, ví dụ? Ưu nhược điểm của đào tạo ngoài công việc thế nào?
Đào tạo ngoài công việc (Off-the-Job Training) là một phương pháp giáo dục trong đó nhân viên học hỏi thêm về công việc của họ hoặc những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực của họ tại một địa điểm cách xa nơi làm việc.
Ví dụ về phương pháp đào tạo ngoài công việc:
- Bài giảng trên lớp: Nhân viên tham gia các khóa học hoặc hội thảo tại các trung tâm đào tạo hoặc trường học, nơi họ được giảng dạy bởi các chuyên gia trong lĩnh vực.
- Nghe nhìn: Sử dụng các phương tiện như video, phim, và thuyết trình để truyền đạt kiến thức và kỹ năng.
- Đào tạo mô phỏng: Sử dụng các mô phỏng hoặc trò chơi để nhân viên thực hành các kỹ năng trong môi trường an toàn, không có rủi ro thực tế.
- Hội thảo và hội nghị: Tham gia các buổi hội thảo hoặc hội nghị chuyên ngành để cập nhật kiến thức mới và kết nối với các chuyên gia khác.
- Đào tạo trực tuyến: Sử dụng các khóa học trực tuyến để học tập linh hoạt và tiện lợi.
Đào tạo ngoài công việc (Off-the-Job Training) có nhiều ưu điểm và nhược điểm mà cả người lao động và nhà tuyển dụng cần cân nhắc. Dưới đây là một số điểm nổi bật về ưu nhược điểm của đào tạo ngoài công việc:
- Ưu điểm:
+ Tập trung cao độ: Nhân viên có thể tập trung hoàn toàn vào việc học mà không bị phân tâm bởi công việc hàng ngày.
+ Kiến thức có hệ thống: Đào tạo ngoài công việc thường được tổ chức theo chương trình bài bản, giúp người học nắm bắt kiến thức một cách hệ thống và sâu sắc hơn.
+ Đào tạo quy mô lớn: Có thể tổ chức đào tạo cho nhiều người cùng lúc, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
+ Môi trường học tập chuyên nghiệp: Các khóa học thường được tổ chức tại các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho nhân viên.
- Nhược điểm:
+ Chi phí cao: Đào tạo ngoài công việc thường tốn kém hơn do phải thuê giảng viên, địa điểm và trang thiết bị.
+ Thời gian và công sức: Nhân viên phải dành thời gian và công sức để tham gia các khóa học, có thể ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
+ Chuyển giao kỹ năng thực tế: Việc áp dụng những kỹ năng học được vào công việc thực tế có thể gặp khó khăn hơn so với đào tạo tại chỗ.
+ Khả năng tiếp thu khác nhau: Không phải tất cả nhân viên đều có khả năng tiếp thu kiến thức mới một cách nhanh chóng và hiệu quả trong môi trường đào tạo ngoài công việc.
Thông tin mang tính chất tham khảo.
Đào tạo ngoài công việc là gì, ví dụ? Ưu nhược điểm của đào tạo ngoài công việc thế nào? (Hình từ Internet)
Người lao động được đào tạo và phát triển kỹ năng nghề như thế nào?
Theo Điều 59 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề của người lao động như sau:
- Người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội thông qua hoạt động sau đây:
+ Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định;
+ Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.
Người lao động phải cung cấp thông tin về trình độ kỹ năng nghề đúng không?
Theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Theo đó khi giao kết hợp đồng lao động người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về trình độ kỹ năng nghề.
Phạm Đại Phước