1 năm có bao nhiêu tuần? Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép năm trong 1 năm?
1 năm có bao nhiêu tuần?
Để tính được số tuần trong năm, bạn cần nắm rõ các quy ước thời gian trong một năm. Năm là một đơn vị chỉ thời gian, được hiểu là một chu kỳ Trái Đất xoay hết một vòng xung quanh Mặt Trời. Chu kỳ này diễn ra liên tục, thời gian để quay hết một vòng theo quỹ đạo kéo dài khoảng 365 ngày (và cộng thêm một vài giờ tùy theo năm). Như vậy, có thể hiểu rằng:
- Năm không nhuận: 365 ngày.
- Năm nhuận: 366 ngày.
Cũng theo quy ước chuẩn quốc tế về thời gian, 1 tuần có 7 ngày. Như vậy để tính được 1 năm có bao nhiêu tuần, bạn chỉ cần lấy tổng số ngày trong 1 năm chia cho 7.
Số tuần/năm = Tổng số ngày/năm ÷ 7 (Phần nguyên của thương nhận được chính là số tuần)
Kết quả cho phép tính 1 năm có bao nhiêu tuần như sau:
- Năm nhuận có 366 ngày, tương đương với 52 tuần và dư 2 ngày.
- Năm không nhuận có 365 ngày, tương đương với 52 tuần và dư 1 ngày.
Ví dụ: Năm 2024 là năm nhuận, có tổng cộng 366 ngày. Theo cách tính được đề cập phía trên, năm nay sẽ có 52 tuần và dư 2 ngày.
1 năm có bao nhiêu tuần? Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép năm trong 1 năm? (Hình từ Internet)
Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ phép năm trong 1 năm?
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày phép năm như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo đó, số ngày phép năm của người lao động như sau:
- Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ phép năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ phép năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, cụ thể như sau:
Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Theo đó, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày phép năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Có cần phải quy định nghỉ phép năm trong nội quy lao động không?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Nội quy lao động
Nội quy lao động tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động gồm những nội dung chủ yếu sau:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;
...
Theo đó, nghỉ phép năm là một trong các nội dung chủ yếu phải có trong nội quy lao động.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?
- Vì sao lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng? Vào ngày thành lập Đảng người lao động có được nghỉ làm hưởng nguyên lương không?