Việc sáp nhập tỉnh có lấy ý kiến của Nhân dân không? Đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân loại như thế nào?
Việc sáp nhập tỉnh có lấy ý kiến của nhân dân hay không?
Theo Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo khoản 2 Điều 110 Hiến pháp 2013 thì việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính bao gồm cả đơn vị hành chính cấp tỉnh phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.
Và tại Điều 131 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định rõ về lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:
- Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
- Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thực hiện các công việc sau đây:
+ Quyết định thời gian lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến và các tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lấy ý kiến cử tri; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến;
+ Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri;
+ Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh;
+ Phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn;
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;
+ Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;
+ Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến trên địa bàn;
+ Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Lập danh sách cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến;
+ Quyết định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm khu dân cư trên địa bàn;
+ Tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố;
+ Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
- Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Việc sáp nhập tỉnh có lấy ý kiến của Nhân dân không? Đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân loại như thế nào? (Hình từ Internet)
Đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân loại như thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định như sau:
Phân loại đơn vị hành chính
1. Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
2. Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
3. Đơn vị hành chính được phân loại như sau:
a) Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
b) Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
c) Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
4. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.
Theo đó, đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân loại như sau:
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt gồm: Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I;
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II;
- Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại III.
Tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết 1211?
Căn cứ tại Điều 1 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau:
Tiêu chuẩn của tỉnh
1. Quy mô dân số:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 1.400.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên;
b) Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 5.000 km2 trở lên.
3. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 01 thành phố hoặc 01 thị xã.
Như vậy, tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 là:
- Quy mô dân số:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên;
+ Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 1.400.000 người trở lên
- Diện tích tự nhiên:
+ Tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên;
+ Tỉnh không thuộc điểm a khoản này từ 5.000 km2 trở lên.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Lịch thi tuyển sinh lớp 10 Bắc Ninh 2025? Điều kiện được tuyển thẳng vào các trường THPT công lập không chuyên?
- Công thức định luật Ôm? Ký hiệu định luật Ôm? Định luật Ôm là gì? Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông môn Vật lí?
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân không? Công ty có Hội đồng thành viên không?
- Tổng hợp bài thi kể chuyện về Bác hay nhất Tiểu học? Bài thi kể chuyện về Bác Hồ? Học sinh Tiểu học kể chuyện về Bác?
- Lịch World Tour Blackpink 2025? Blackpink 2025 World Tour schedule? Nguyên tắc hoạt động điện ảnh là gì?