Trong thời gian viên chức bị tạm đình chỉ công tác thì chế độ tiền lương và mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
- Việc tạm đình chỉ công tác đối với viên chức được quy định như thế nào?
- Trong thời gian viên chức bị tạm đình chỉ công tác thì chế độ tiền lương và mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
- Viên chức phạm tội và đã có Bản án xét xử của Tòa án nhân dân thì bị buộc thôi việc vào thời điểm nào?
Việc tạm đình chỉ công tác đối với viên chức được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 52 Luật Viên chức 2010 quy định về các hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau:
Các hình thức kỷ luật đối với viên chức
1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
...
Căn cứ Điều 54 Luật Viên chức 2010 quy định về tạm đình chỉ công tác như sau:
Tạm đình chỉ công tác
1. Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ.
2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật.
Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày.
Viên chức (Hình từ Internet)
Trong thời gian viên chức bị tạm đình chỉ công tác thì chế độ tiền lương và mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với trường hợp đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ như sau:
Chế độ, chính sách đối với trường hợp đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ
Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì áp dụng theo chế độ quy định như sau:
1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.
Căn cứ khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về quản lý đối tượng như sau:
Quản lý đối tượng
...
7. Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật...; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
...
Như vậy, đối với trường hợp của đơn vị bạn thì trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác thì viên chức này thì đơn vị bạn vẫn phải chi trả cho viên chức này 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.
Người viên chức này đã bị tuyên án là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề trong thời gian tạm đình chỉ công tác.
Về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, trong thời gian viên chức này bị tạm đình chỉ công tác thì đơn vị bạn và viên chức tạm thời dừng đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người viên chức này được hưởng theo quy định của pháp luật.
Do Tòa án đã xác định viên chức này có tội nên đơn vị bạn và người viên chức này không thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Viên chức phạm tội và đã có Bản án xét xử của Tòa án nhân dân thì bị buộc thôi việc vào thời điểm nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm như sau:
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
...
2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Căn cứ Điều 57 Luật Viên chức 2010 quy định đối với viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Quy định đối với viên chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì bị buộc thôi việc, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Viên chức quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, ngày đơn vị buộc thôi việc đối với viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng là ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, đơn vị bạn có thể căn cứ vào ngày tuyên án của bản án phúc thẩm để buộc thôi việc đối với người viên chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính cung cấp thông tin về bưu gửi không đầy đủ theo yêu cầu của dịch vụ sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng được niêm yết tại đâu? Thời hạn công khai danh sách?
- Tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ thế nào theo Luật Đất đai mới?