Tòa án có chấp nhận yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp vợ và chồng đều đồng ý ly hôn nhưng chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung không?
- Thuận tình ly hôn được hiểu như thế nào theo pháp luật về hôn nhân và gia đình?
- Vợ, chồng đều đồng ý ly hôn nhưng lại chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì tòa án có chấp nhận yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không?
- Quy định về án phí khi yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia tài sản chung khi ly hôn
Thuận tình ly hôn được hiểu như thế nào theo pháp luật về hôn nhân và gia đình?
Căn cứ theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thuận tình ly hôn như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Như vậy, thuận tình ly hôn là trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và Tòa án công nhận thuận tình ly hôn nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con. Trường hợp không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Tải về mẫu đơn ly hôn thuận tình mới nhất 2023: Tại Đây
Ly hôn
Vợ, chồng đều đồng ý ly hôn nhưng lại chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì tòa án có chấp nhận yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không?
Căn cứ theo khoản 4, khoản 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:
“4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.”
Theo đó, Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
- Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Như vậy, trường hợp hai vợ chồng chưa thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung thì việc công nhận thuận tình ly hôn không được chấp nhận và Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết việc chia tài sản chung. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.
Quy định về án phí khi yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia tài sản chung khi ly hôn
Căn cứ theo Danh mục án phí, lệ phí tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về vấn đề này, theo đó:
(1) Đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình không có giá ngạch thì mức án phí sẽ là: 300.000 đồng
(2) Đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình có giá ngạch thì mức án phí được xác định như sau:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp
- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
(3) Đối với việc dân sự thì lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về hôn nhân và gia đình là 300.000 đồng.
Như vậy, tiền án phí phải nộp sẽ phụ thuộc vào giá trị của tài sản cần giải quyết tranh chấp của hai vợ chồng. Cụ thể sẽ được thực hiện theo như quy định trên đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam ra sao?
- Mẫu Lý lịch lái xe kinh doanh vận tải mới nhất hiện nay? Xe kinh doanh vận tải có biển số xe màu gì?
- Mẫu kế hoạch phòng cháy chữa cháy trong trường học 2025 mới nhất? Tải kế hoạch phòng cháy chữa cháy trong trường học 2025?
- Mẫu Biên bản họp bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần mới nhất? Tải về mẫu biên bản họp?
- Trình tự thủ tục xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước của Bộ Xây dựng như thế nào?