Thực hiện thay đổi họ cho con ngoài giá thú ở Ủy ban nhân dân xã theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Thực hiện thay đổi họ cho con ngoài giá thú ở UBND xã theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Hiện tại pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là con ngoài giá thú. Tuy nhiên, có thể hiểu con ngoài giá thú là con sinh ra nhưng cha mẹ sinh ra không phải là vợ chồng, không có quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi đăng ký khai sinh, con ngoài giá thú chỉ xác định được cha hoặc mẹ. Trong trường hợp muốn đổi họ cho con sang họ của người cha (mẹ) còn lại trước tiên phải xác định người kia là cha (mẹ) của con theo quy định của pháp luật.
* Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ cho con
Theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người có nhu cầu xác nhận quan hệ cha (mẹ) với con hay là đăng lý nhận cha (mẹ) đối với con ngoài giá thú cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
TẢI VỀ Tờ khai nhận cha, mẹ, con
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con;
- Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, bao gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có văn bản chứng minh nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
+ Cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật cho người đăng ký được biết
+ Nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật, cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký nhận cha mẹ với con ngoài giá thú.
Lưu ý: Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết, người đăng ký nhận cha (mẹ) đối với con ngoài giá thú thực hiện đăng ký theo thủ tục quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã.
Trong đó, giấy tờ tùy thân hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.
Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.
Sau khi đã xác nhận mối quan hệ cha con, mẹ con đối với con ngoài giá thú theo đúng quy định của pháp luật, một bên cha (mẹ) còn lại có thể thực hiện thủ tục thay đổi họ cho con theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015.
* Thủ tục thay đổi họ cho con
Khi đăng ký thay đổi họ cho con ngoài giá thú, người yêu cầu đăng ký cần chuẩn bị tờ khai theo mẫu tại Công văn 1288/HTQTCT-HT và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch, trình tự thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 như sau:
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi họ cho con ngoài giá thú nộp tờ khai theo mẫu quy định.
TẢI VỀ Tờ khai đăng ký
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi họ cho người con là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan thì:
Công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi họ cho con ngoài giá thú ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi họ cho người con liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
- Trường hợp đăng ký thay đổi họ cho con ngoài giá thú không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Thực hiện thay đổi họ cho con ngoài giá thú ở Ủy ban nhân dân xã theo trình tự, thủ tục như thế nào? (Hình từ Internet)
Đăng ký thay đổi họ cho con ngoài giá thú có tốn chi phí hay không?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí trong lĩnh vực hộ tịch thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, lệ phí thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi họ cho con sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từng địa phương quyết định.
Thay đổi họ cho con ngoài giá thú có cần sự đồng ý của mẹ đứa trẻ không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:
Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
...
Đồng thời theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền thay đổi họ tên như sau:
Quyền thay đổi họ
...
2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
...
Như vậy, việc thay đổi họ cho con ngoài giá thú dưới 18 tuổi khi đã nhận lại con theo trình tự, thủ tục đúng quy định phải được sự đồng ý của mẹ đứa trẻ, trường hợp con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người con đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người yêu cầu cấp dưỡng khởi kiện thì có phải được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hay không?
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là gì? Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền?
- Bị vu khống trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Vu khống người khác trộm cắp tài sản có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
- Giáng sinh ngày mấy tháng mấy? Lễ Giáng sinh là lễ lớn ở Việt Nam? Công dân có những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nào?
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?