Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tàu biển? Cách ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm tàu biển vào Sổ đăng ký như nào?
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tàu biển?
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tàu biển được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2022/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/01/2023) như sau:
Hiệu lực của đăng ký
1. Hiệu lực của đăng ký được xác định như sau:
a) Thời điểm có hiệu lực của đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ địa chính; đối với tài sản gắn liền với đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định này là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đối với tàu bay là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam; đối với tàu biển là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; đối với động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung hoặc đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 44 Nghị định này là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký đối với quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển;
...
Như vậy, thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm khi thế chấp tàu biển là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Trước đây, thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 102/2017/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ 15/01/2023) quy định như sau:
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm
1. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.
Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
2. Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm và tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm các bên không có thỏa thuận về việc bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
3. Các trường hợp đăng ký sau đây không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm:
a) Trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai hoặc chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở do nhà ở hình thành trong tương lai đã được hình thành theo quy định của Luật nhà ở, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở;
b) Các trường hợp đăng ký thay đổi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 18 của Nghị định này.
Theo đó, trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.
Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản nào? (Hình từ Internet)
Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản nào?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 171/2016/NĐ-CP thì sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được quy định như sau:
Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam
1. Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được sử dụng để ghi lại các thông tin liên quan đến tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động đã được đăng ký hoặc xóa đăng ký theo quy định, sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được lập dưới dạng sổ ghi chép trên giấy và cơ sở dữ liệu điện tử.
Nội dung chủ yếu của sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
2. Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam tổ chức in ấn, hướng dẫn sử dụng và bảo quản Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Dẫn chiếu theo Điều 24 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nội dung cơ bản của Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau:
+ Tên cũ, tên mới của tàu biển; tên, nơi đặt trụ sở của chủ tàu; tên, nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của chủ tàu nước ngoài; tên, nơi đặt trụ sở của người thuê tàu trần, người thuê mua tàu xin đăng ký; tên người khai thác tàu (nếu có); loại tàu biển và mục đích sử dụng;
+ Cảng đăng ký;
+ Số đăng ký;
+ Thời điểm đăng ký;
+ Tên, địa chỉ nhà máy đóng tàu biển và năm đóng tàu biển;
+ Các thông số kỹ thuật chính của tàu biển;
+ Tình trạng sở hữu tàu biển và những thay đổi có liên quan đến sở hữu;
+ Thời điểm và lý do của việc xóa đăng ký;
+ Thông tin về đăng ký thế chấp tàu biển.
Lưu ý: Mọi thay đổi về nội dung đăng ký phải được ghi rõ vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Theo đó, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản nêu trên.
Cách ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm tàu biển vào Sổ đăng ký như nào?
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2019/TT-BTP quy định như sau:
Ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam
1. Trường hợp đăng ký thế chấp tàu biển, đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu biển trong trường hợp mua bán tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu biển kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký theo hướng dẫn trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam như sau:
a) Ghi thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm);
b) Ghi “Thế chấp tàu biển giữa... (ghi tên bên thế chấp) và... (ghi tên bên nhận thế chấp) theo hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng tín dụng (trường hợp việc thế chấp được ghi trong hợp đồng tín dụng) hoặc văn bản thỏa thuận khác về thế chấp tàu biển số... (nếu có), ngày, tháng, năm”;
c) Ghi “Bảo lưu quyền sở hữu tàu biển giữa... (ghi tên bên mua tài sản) và... (ghi tên bên bán tài sản) theo hợp đồng mua bán có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu biển số... (nếu có), ngày, tháng, năm”.
….
Theo đó, Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam theo các nội dung được hướng dẫn nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?