Thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân phải đáp ứng điều kiện gì? Thành viên sáng lập có nghĩa vụ như thế nào?
Thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân phải đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 162/2024/NĐ-CP thì điều kiện đối với thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân như sau:
(1) Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;
(2) Không phải là người thuộc các trường hợp sau đây:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
- Người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;
(3) Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân phải đáp ứng điều kiện gì? Thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân có nghĩa vụ như thế nào? (Hình từ Internet)
Thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân có nghĩa vụ như thế nào?
Nghĩa vụ của thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân được quy định tại Điều 85 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
- Tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Điều lệ, quy chế của quỹ tín dụng nhân dân, nghị quyết, quyết định của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị.
- Góp đầy đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định tại Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hợp tác, tương trợ giữa các thành viên, góp phần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của quỹ tín dụng nhân dân.
- Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của quỹ tín dụng nhân dân trong phạm vi phần vốn góp vào quỹ tín dụng nhân dân.
- Hoàn trả gốc và lãi tiền vay của quỹ tín dụng nhân dân theo đúng cam kết.
- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
- Chịu trách nhiệm khi nhân danh quỹ tín dụng nhân dân dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh, giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân.
Quyền biểu quyết trong đại hội toàn thể của thành viên quỹ tín dụng nhân dân có phụ thuộc vào phần vốn góp không?
Căn cứ thao Điều 16 Thông tư 29/2024/TT-NHNN về tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên như sau:
Tham dự và biểu quyết trong Đại hội thành viên
1. Thành viên, đại biểu được xác định là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;
b) Tham dự và biểu quyết bằng hình thức trực tuyến.
2. Các nội dung sau đây được Đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
b) Thông qua việc đầu tư, mua, bán tài sản cố định của quỹ tín dụng nhân dân mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của quỹ tín dụng nhân dân được ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc báo cáo tài chính gần nhất trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân không phải kiểm toán hoặc tỷ lệ thấp hơn theo quy định của Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
c) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của quỹ tín dụng nhân dân;
d) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể tự nguyện.
3. Các nội dung không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được thông qua khi có trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành của thành viên, đại biểu tham dự.
4. Mỗi thành viên tham dự đại hội toàn thể có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào phần vốn góp hay chức vụ của thành viên. Mỗi đại biểu tham dự đại hội đại biểu có số phiếu biểu quyết bằng số lượng thành viên đã bầu đại biểu đó tham dự đại hội đại biểu.
5. Phiếu biểu quyết và biên bản kiểm phiếu tại Đại hội thành viên phải được lưu trữ.
Theo đó, mỗi thành viên tham dự đại hội toàn thể đều có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau và không phụ thuộc vào phần vốn góp hay chức vụ của thành viên đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Toàn văn Nghị quyết 15/NQ-CP về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy?
- Mừng thọ 100 tuổi gọi là gì? Lời chúc mừng thọ 100 tuổi? Thời gian tổ chức mừng thọ 100 tuổi theo Thông tư 06?
- Giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất? Thời điểm thực hiện chính sách giảm biên chế sau sáp nhập, hợp nhất?
- Lịch đi làm lại sau Tết Nguyên Đán 2025? Lịch đi làm lại sau Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động?
- Đá khối làm đá ốp lát công trình xây dựng là đá như thế nào? Quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật đá khối làm đá ốp lát xuất khẩu?