Sử dụng giá tham chiếu để xác định giá sàn trong ngày giao dịch cổ phiếu như thế nào? Trường hợp nào không được phép điều chỉnh giá tham chiếu?
Giá tham chiếu trong hoạt động giao dịch chứng khoán là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 quy định về giá tham chiếu chứng khoán như sau:
Cách xác định giá tham chiếu
1. Giá tham chiếu của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
2. Trường hợp cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền mới được niêm yết, trong ngày giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu được xác định theo Điều 11 Quy chế này.
3. Trường hợp giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF không được hưởng cổ tức hoặc các quyền kèm theo, giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị cổ tức được nhận hoặc giá trị các quyền kèm theo.
...
Theo đó, giá tham chiếu của chứng khoán đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Sử dụng giá tham chiếu để xác định giá sàn trong ngày giao dịch cổ phiếu như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 quy định về cách xác định giá trần, giá sàn và biên độ dao động giá như sau:
Cách xác định giá trần, giá sàn và biên độ dao động giá
1. Giá trần/sàn trong ngày giao dịch của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF và chứng quyền được tính toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và làm tròn xuống đối với giá trần, làm tròn lên đối với giá sàn theo đơn vị yết giá. Không giới hạn giá trần, giá sàn trong ngày đối với giao dịch trái phiếu.
2. Giá trần/sàn trong ngày giao dịch của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được xác định như sau:
Giá trần = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá trần)
Giá sàn = Giá tham chiếu - (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá sàn).
3. Giá trần/sàn trong ngày giao dịch đầu tiên và ngày giao dịch thông thường của chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu được xác định như sau:
Giá trần = Giá tham chiếu chứng quyền + (giá trần của cổ phiếu cơ sở - Giá tham chiếu của cổ phiếu cơ sở) x 1/Tỷ lệ chuyển đổi
Giá sàn = Giá tham chiếu chứng quyền - (giá tham chiếu của cổ phiếu cơ sở - giá sàn cổ phiếu cơ sở) x 1/Tỷ lệ chuyển đổi
Trường hợp giá sàn của chứng quyền nhỏ hơn hoặc bằng không (0), giá sàn sẽ là đơn vị yết giá nhỏ nhất bằng 10 đồng.
4. Trong trường hợp giá trần hoặc giá sàn của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này bằng với giá tham chiếu, giá trần và giá sàn sẽ được thực hiện điều chỉnh như sau:
Giá trần điều chỉnh = Giá tham chiếu + một đơn vị yết giá
Giá sàn điều chỉnh = Giá tham chiếu - một đơn vị yết giá.
5. Trong trường hợp giá sàn điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều này nhỏ hơn hoặc bằng không (0), giá sàn sẽ được điều chỉnh bằng giá tham chiếu.
6. Biên độ dao động giá (bao gồm biên độ dao động giá trần và biên độ dao động giá sàn) trong ngày giao dịch tại khoản 2 Điều này đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được quy định là +7% so với giá tham chiếu.
7. Biên độ dao động giá quy định tại khoản 6 Điều này không áp dụng đối với một số trường hợp sau:
a) Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF mới niêm yết;
b) Ngày đầu tiên cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên hai mươi lăm (25) ngày.
Theo quy định trên thì giá tham chiếu được dùng để xác đinh giá sàn trong ngày giao dịch của cổ phiếu dựa trên công thức sau: Giá sàn = Giá tham chiếu - (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá sàn).
Sử dụng giá tham chiếu để xác định giá sàn trong ngày giao dịch cổ phiếu như thế nào? (Hình từ Internet)
Sở giao dịch chứng khoán không được điều chỉnh giá tham chiếu trong những trường hợp nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Quy chế giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-SGDHCM năm 2021 thì Sở giao dịch chứng khoán không được điều chỉnh giá tham chiếu chứng khoán như sau:
- Phát hành thêm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng với giá phát hành lớn hơn hoặc bằng giá đóng cửa của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng trước ngày giao dịch không hưởng quyền sau khi đã điều chỉnh các quyền
- Phát hành trái phiếu chuyển đổi (kể cả phát hành cho cổ đông hiện hữu), phát hành chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán cho nhà đầu tư không phải cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, phát hành cổ phiếu bổ sung theo phương án hoán đổi từ các giao dịch sáp nhập, trả cổ tức/thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và các trường hợp phát hành khác không ảnh hưởng đến quyền của cổ đông hiện hữu.
-Tổ chức niêm yết thực hiện giảm vốn điều lệ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí NSNN để mua sắm tài sản trang thiết bị mới nhất?
- Danh sách kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư đợt 2 năm 2024 chính thức? Xem toàn bộ danh sách ở đâu?
- Loại gỗ nào thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu? Ai có thẩm quyền cho phép xuất khẩu loại gỗ này?
- Thưởng cuối năm là gì? Công ty phải thưởng cuối năm cho nhân viên? Tiền thưởng cuối năm có đóng thuế TNCN?
- Báo cáo kế hoạch đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công là gì? Thời hạn gửi báo cáo trung hạn vốn NSNN?