Sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản có bị coi là bất hợp pháp không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
Thế nào là sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản?
Căn cứ khoản 18 Điều 3 Luật Thủy sản 2017 quy định như sau:
“Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.”
Theo đó chúng ta có thể hiểu sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản là hoạt động khai thác thủy sản có liên quan đến các công cụ, vật dụng có khả năng dẫn điện, truyền điện. Sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản rất phổ biến ở Việt Nam. Đây là hành vi nguy hại, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên và cũng rất nguy hiểm trong quá trình thực hiện.
Sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản
Xử phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản
Căn cứ Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức như sau:
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 40 Nghị định này. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản là một hành vi vi phạm pháp luật, đối với cá nhân có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên đến 50.000.000 đồng và 100.000.000 đối với tổ chức vi phạm. Ngoài ra còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng như một hình thức phạt bổ sung.
Xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản
Căn cứ khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (Sửa đổi Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015) quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản:
“1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.”
Theo đó, tùy vào từng trường hợp mà hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị xử lý hình sự với mức tiền lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù lên đến 10 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở kinh doanh tuyển người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự cần phải không thuộc những trường hợp nào?
- Xe ô tô chở khách trên 8 chỗ phải lưu trữ dữ liệu về hành trình tối thiểu 1 năm từ 1/1/2025 đúng không?
- Ai có quyền yêu cầu người có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin theo quy định?
- Người có trách nhiệm chăm sóc lại ép buộc trẻ em xem phim 18+ trình diễn khiêu dâm bị phạt mấy năm tù?
- Tên quốc tế của thành phần của hàng hóa trên nhãn hàng hóa được phép ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt khi nào?