Sổ tạm quản (sổ ATA) có được thay thế tờ khai hải quan? Cơ quan cấp sổ ATA tại Việt Nam là cơ quan nào?
Sổ tạm quản (sổ ATA) có được thay thế tờ khai hải quan không?
Sổ tạm quản được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 64/2020/NĐ-CP như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước ATA (1961), Công ước Istanbul (1990) của Tổ chức Hải quan Thế giới về tạm quản hàng hóa.
2. Sổ tạm quản (sau đây gọi là sổ ATA) là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo quy định tại Nghị định này.
...
5. Chủ sổ ATA là chủ hàng hóa đề nghị cấp sổ ATA.
...
Theo quy định trên thì sổ tạm quản (sổ ATA) được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản.
Chủ sổ ATA là chủ hàng hóa đề nghị cấp sổ ATA.
Sổ tạm quản (sổ ATA) có được thay thế tờ khai hải quan không? (Hình từ Internet)
Cơ quan cấp Sổ tạm quản (sổ ATA) tại Việt Nam là cơ quan nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 64/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thủ tục cấp sổ ATA
1. Cơ quan cấp sổ ATA tại Việt Nam là VCCI.
...
Và khoản 2 Điều 26 Nghị định 64/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành
...
2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chịu trách nhiệm:
a) Thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản từ khoản bảo đảm của chủ sổ ATA theo quy định tại Nghị định này;
b) Chịu trách nhiệm cập nhập và cung cấp thông tin về Biểu thuế nhập khẩu và thuế khác, Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, Danh mục hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập theo quy định của pháp luật cho Phòng Thương mại quốc tế (ICC) và Hội đồng Phòng Thương mại quốc tế (IBCC);
c) Cung cấp cho Tổng cục Hải quan danh sách các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tham gia Công ước Istanbul và tên cơ quan, tổ chức cấp sổ ATA;
d) Trao đổi với cơ quan, tổ chức cấp sổ ATA thuộc một trong các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định tại điểm c khoản này trong trường hợp Chi cục hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập có nghi ngờ và đề nghị VCCI xác minh thông tin của sổ ATA.
Theo đó, cơ quan cấp Sổ tạm quản (sổ ATA) tại Việt Nam là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Quyết định 1496/QĐ-TTg năm 2022 và Điều 2 Thông tư 10/2023/TT-BTC thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hiện nay đã được đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (gọi tắt là VCCI).
Hồ sơ đề nghị cấp Sổ tạm quản (sổ ATA) gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ đề nghị cấp Sổ tạm quản (sổ ATA) được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 64/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm các giấy tờ sau đây:
(1) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp sổ ATA và mẫu con dấu của doanh nghiệp (trong trường hợp tổ chức đề nghị cấp sổ ATA) theo Mẫu số 01/ĐK quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP (đối với trường hợp đề nghị cấp sổ ATA lần đầu): 01 bản chính;
(2) Đơn đề nghị cấp sổ ATA theo Mẫu số 02/ĐĐN quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP: 01 bản chính;
(3) Mẫu sổ ATA đã được khai (đánh máy) đầy đủ các thông tin tại mặt trước và mặt sau của trang bìa theo mẫu sổ ATA quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP: 01 bản chính và 01 bản chụp;
(4) Thư bảo lãnh do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành hoặc giấy nộp tiền cho VCCI: 01 bản chính;
(5) Giấy ủy quyền theo Mẫu số 03/GUQ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP trong trường hợp người đề nghị cấp sổ ATA không phải là chủ sổ: 01 bản chính;
(6) Văn bản xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hoặc tham dự sự kiện quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 64/2020/NĐ-CP: 01 bản chụp;
(7) Các chứng từ có liên quan: Chứng từ thể hiện trị giá lô hàng, giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có): 01 bản chụp.
Lưu ý:
- Trách nhiệm của chủ sổ ATA:
+ Nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ ATA cho VCCI;
+ Xuất trình hàng hóa theo yêu cầu của VCCI để kiểm tra thực tế;
+ Nộp phí cấp sổ ATA theo quy định;
+ Sau khi được VCCI cấp sổ ATA, chủ sổ không được điền thêm thông tin hàng hóa vào danh mục tổng quát (General List) đã đăng ký trong sổ ATA.
- Sổ ATA có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch thi dân vũ chào mừng 20 11 2024? Kế hoạch thi văn nghệ chào mừng 20 11 ngày Nhà giáo Việt Nam cho trường học?
- Ai có thẩm quyền cấp phép cải tạo xe quân sự theo quy định mới? Hồ sơ đề nghị cấp phép cải tạo bao gồm những gì?
- Các cuộc gọi 116 từ số máy cố định có được miễn giá cước không? Doanh nghiệp viễn thông có phải định tuyến cuộc gọi 116 không?
- Thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề nhằm mục đích gì? Căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề là gì?
- Có được xin ân giảm án tử hình không? Nộp đơn xin ân giảm án tử hình vào thời gian nào theo quy định hiện nay?