Số bản sách tối thiểu cho mỗi tài liệu tham khảo trong thư viện cơ sở giáo dục đại học là bao nhiêu?
Tài liệu tham khảo trong thư viện cơ sở giáo dục đại học là gì?
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT thì tài liệu tham khảo là những tài liệu được người sử dụng thư viện sử dụng trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Tài liệu tham khảo bao gồm: Sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách dịch, sách hướng dẫn, sách bài tập và các tài liệu khác đã được xuất bản; các bài báo, công trình khoa học và các tài liệu đã được công bố trong nước và quốc tế.
Thư viện cơ sở giáo dục đại học (Hình từ Internet)
Số bản sách tối thiểu cho mỗi tài liệu tham khảo trong thư viện cơ sở giáo dục đại học là bao nhiêu?
Số lượng bản sách của mỗi tài liệu tham khảo trong thư viện cơ sở giáo dục đại học được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT như sau:
Tài nguyên thông tin
...
2. Số lượng tài nguyên thông tin
a) Số tên giáo trình: Có đầy đủ giáo trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo dùng cho giảng viên, người học trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học;
b) Số bản sách cho mỗi tên giáo trình: Có ít nhất 50 bản sách/1.000 người học;
c) Số bản sách cho mỗi tên tài liệu tham khảo: Có ít nhất 20 bản sách/1.000 người học;
d) Tài nguyên thông tin số
- Giáo trình, tài liệu tham khảo bảo đảm các quy định về sở hữu trí tuệ, được số hóa theo thỏa thuận của cơ sở giáo dục đại học với tác giả. Với các giáo trình, tài liệu tham khảo đã được số hóa thì số bản sách bảo đảm tối thiểu 50% định mức quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều này;
- Tài liệu nội sinh được số hóa 100%;
- Có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế về sách, tạp chí khoa học phù hợp với trình độ và quy mô đào tạo của ngành đào tạo.
...
Theo quy định trên, số bản sách cho mỗi tên tài liệu tham khảo trong thư viện cơ sở giáo dục đại học phải có ít nhất 20 bản sách/1.000 người học.
Với tài liệu tham khảo đã được số hóa thì số bản sách bảo đảm tối thiểu 50% định mức nêu trên.
Việc liên thông thư viện cơ sở giáo dục đại học được thực hiện bằng hình thức nào?
Hình thức liên thông thư viện cơ sở giáo dục đại học được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư 14/2023/TT-BGDĐT như sau:
Hoạt động thư viện
...
4. Liên thông thư viện
a) Nguyên tắc liên thông
- Các thư viện đại học tham gia liên thông với nhau trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin dùng chung; hợp tác trên cơ sở thỏa thuận giữa các thư viện, bảo đảm thống nhất quy trình nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên thông tin; tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và các quy định liên quan của pháp luật;
- Các thư viện đại học tham gia liên thông phải có: Hạ tầng công nghệ thông tin tương thích; nguồn tài nguyên thông tin số được biên mục, xử lý kỹ thuật theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; phần mềm quản lý thư viện có tính năng liên thông thư viện và có khả năng mở rộng kết nối API hoặc những kết nối theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; nhân lực để đáp ứng, vận hành, khai thác, chia sẻ;
- Bảo đảm quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin liên thông đúng mục đích, hiệu quả, đúng điều lệ, quy chế liên thông.
b) Hình thức liên thông
Các thư viện đại học tham gia liên thông có các hình thức liên thông đã được xác định trong quy chế, điều lệ liên thông gồm:
- Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm: Các thư viện đại học trong nhóm liên thông thực hiện việc luân chuyển tài nguyên thông tin thường xuyên, định kỳ;
- Tài nguyên thông tin số: Các thư viện đại học trong nhóm liên thông thực hiện việc chia sẻ và quyền truy cập cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin số;
- Các hình thức phù hợp khác.
c) Cơ chế liên thông
Việc liên thông giữa các thư viện đại học được thực hiện thông qua cơ chế liên thông tập trung hoặc phân tán và có kế hoạch triển khai, vận hành đã được xác định trong quy chế, điều lệ liên thông.
d) Trách nhiệm của các thư viện đại học tham gia liên thông
- Thư viện đại học chủ trì liên thông có trách nhiệm:
Tổ chức xây dựng quy chế, điều lệ liên thông, trong đó xác định phương thức phát triển, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung; mức độ chia sẻ, quyền truy cập của người sử dụng thư viện số; sử dụng tài nguyên thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin;
Chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin cho hệ thống dùng chung;
Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thư viện đại học trong nhóm liên thông;
Thư viện đại học chủ trì liên thông được xem xét ưu tiên trong thụ hưởng các chính sách đầu tư phát triển theo quy định hiện hành.
- Thư viện đại học tham gia liên thông có trách nhiệm:
Tham gia xây dựng quy chế, điều lệ liên thông;
Chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin cho hệ thống dùng chung theo điều lệ, quy chế liên thông.
...
Như vậy, các thư viện cơ sở giáo dục đại học tham gia liên thông có các hình thức liên thông đã được xác định trong quy chế, điều lệ liên thông, gồm:
- Tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm: Các thư viện đại học trong nhóm liên thông thực hiện việc luân chuyển tài nguyên thông tin thường xuyên, định kỳ.
- Tài nguyên thông tin số: Các thư viện đại học trong nhóm liên thông thực hiện việc chia sẻ và quyền truy cập cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin số.
- Các hình thức phù hợp khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người lao động có được xin tạm ứng tiền lương không? Mẫu đơn đề nghị tạm ứng tiền lương dành cho người lao động hiện nay?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành đoàn mới nhất? Quy trình bầu Ban Chấp hành đoàn khoá mới thế nào?
- Download mẫu giấy ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai? Thời hạn đại diện giải quyết tranh chấp đất đai theo giấy ủy quyền?
- Mẫu nhận xét đánh giá đảng viên của chi bộ? Hướng dẫn chi bộ nhận xét đánh giá đảng viên thế nào?
- Mẫu Quyết định công nhận chi bộ trong sạch vững mạnh? Đơn vị có bao nhiêu đảng viên thì được lập chi bộ thuộc đảng ủy cơ sở?