Quy trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải trải qua bao nhiêu giai đoạn?
Quy trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải trải qua bao nhiêu giai đoạn?
Công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Hình từ Internet)
Về quy trình đánh giá công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BTP như sau:
Quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình sau đây:
a) Các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tự chấm điểm, tổng hợp kết quả; lấy ý kiến và tổng hợp kết quả đánh giá hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở; chuẩn bị tài liệu đánh giá; đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);
b) Xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; thông tin, số liệu của Báo cáo đánh giá và Bản tổng hợp điểm số được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá, đối với chỉ tiêu 4 của tiêu chí 5 thì sử dụng kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;
c) Niêm yết công khai dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày; đăng tải trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày hoặc thông báo trên Đài truyền thanh cấp xã (nếu có) ít nhất 03 (ba) lần trong thời hạn ít nhất 05 (năm) ngày;
d) Tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có) về Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
đ) Tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Cuộc họp do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì. Thành phần cuộc họp bao gồm các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện Công an cấp xã; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; Trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); Tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);
e) Căn cứ kết quả cuộc họp, nếu xã, phường, thị trấn đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) đến Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
Đối với xã, phường, thị trấn chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá để Phòng Tư pháp tổng hợp, lập danh sách xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đánh giá, xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình sau đây:
a) Phòng Tư pháp tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chậm nhất trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;
b) Tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Hội đồng để tư vấn, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn;
c) Căn cứ kết quả tư vấn, thẩm định của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp hoàn thiện hồ sơ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hồ sơ trình bao gồm: Hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; Báo cáo thẩm định của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật kèm theo biên bản cuộc họp hoặc Bản tổng hợp ý kiến thẩm định của thành viên Hội đồng (nếu không tổ chức cuộc họp); Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu của từng xã, phường, thị trấn do Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thẩm định; dự thảo Quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật kèm theo danh sách xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và danh sách xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công bố kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá. Việc công bố kết quả thực hiện trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo đó việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải trải qua 02 giai đoạn là:
(1) Ủy ban nhân dân xã tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đánh giá, xem xét, quyết định công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTP có quy định về nhiệm vụ của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật là tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thẩm định, đánh giá hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
- Tư vấn các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả, xử lý hạn chế, tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Bên cạnh đó tại khoản 4 Điều này có quy định về nhiệm cụ riêng của thành viên Hội đồng như sau:
- Thẩm định, tham gia ý kiến về hồ sơ, kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
- Tư vấn các sáng kiến, giải pháp và việc tổ chức thực hiện các sáng kiến, giải pháp đối với các tiêu chí, chỉ tiêu;
- Tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng. Trường hợp không thể tham dự cuộc họp mà có lý do chính đáng thì phải gửi ý kiến bằng văn bản về các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này cho Phòng Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
- Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, điều phối hoạt động chung và triệu tập, chủ trì cuộc họp Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ chủ trì cuộc họp và thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng ủy quyền khi vắng mặt.
Thành phần Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có những ai?
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTP quy định về thành phần Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật gồm có:
+ Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng Phòng Tư pháp; mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
+ Ủy viên Hội đồng: Đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện lãnh đạo Công an cấp huyện; mời đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo cấp huyện tham gia Hội đồng;
+ Thư ký Hội đồng: Công chức Phòng Tư pháp.
Số lượng thành viên Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định nhưng không quá 15 người. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?