Người điều khiển xe ô tô có hành vi gắn biển số xanh giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử lý thế nào?
Xe biển số xanh là gì? Xe biển số xanh là xe của cơ quan nào?
Xe biển xanh là loại xe ô tô, gắn máy thông thường được gắn biển xanh, cụ thể:
- Biển số có nền màu xanh;
- Chữ, số trên biển có màu trắng.
Theo khoản 5 Điều 37 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định xe biển số xanh là xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, cụ thể:
- Biển số xe ô tô nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 11 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M.
- Đối với xe mô tô nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 11 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M kết hợp với 1 chữ số tự nhiên từ 1 đến 9.
Theo đó, thông qua ký hiệu trên biển số xe, người dân có thể nhận biết xe của cơ quan nào như sau:
- Ký hiệu A: Cấp cho xe của các cơ quan của Đảng;
- Ký hiệu B: Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ký hiệu C: Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội;
- Ký hiệu D: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương;
- Ký hiệu E: Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân;
- Ký hiệu F: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ký hiệu G: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;
- Ký hiệu H: Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
- Ký hiệu K: Tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam);
- Ký hiệu L: Đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập.
- Ký hiệu M: Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước.
Mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi gắn biển xanh giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp là bao nhiêu? (Hình từ Intetmet).
Mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi gắn biển số xanh giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
...
6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
b) Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
c) Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
d) Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
...
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3, điểm d khoản 4 Điều này bị tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá âm lượng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều này bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
...
Như vậy, người điều khiển xe ô tô có hành vi gắn biển số xanh giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể bị phạt hành chính với mức tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô có hành vi gắn biển số xanh giả còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu biển số không đúng quy định và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Biển số xanh xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có được đưa ra đấu giá hay không?
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 73/2022/QH15 về biển số xe đưa ra đấu giá như sau:
Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản
1. Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
...
Theo đó, biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho các đối tượng theo quy định nêu trên.
Như vậy, biển số xanh xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước không thuộc loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu bản kiểm điểm của Bí thư đảng ủy là mẫu nào? Nội dung bản kiểm của Bí thư đảng ủy phải đảm bảo gì?
- Việc lập danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ do tổ chức nào thực hiện?
- Mẫu Báo cáo số hóa hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Mức tiền hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi là bao nhiêu? Có được hỗ trợ vay vốn tín dụng khi bị thu hồi không?
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?