Người buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt thế nào? Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người này không?
Hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa gồm những báo hiệu nào?
Theo quy định tại Điều 12 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 về báo hiệu đường thuỷ nội địa như sau:
Báo hiệu đường thuỷ nội địa
1. Báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm phao, biển báo, đèn hiệu và thiết bị phụ trợ khác nhằm hướng dẫn giao thông cho phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa.
2. Hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm:
a) Báo hiệu dẫn luồng để chỉ giới hạn luồng hoặc hướng tàu chạy;
b) Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm để chỉ nơi có vật chướng ngại hoặc vị trí nguy hiểm khác trên luồng;
c) Báo hiệu thông báo chỉ dẫn để thông báo cấm, thông báo hạn chế hoặc chỉ dẫn các tình huống có liên quan đến luồng.
3. Tuyến đường thủy nội địa đã được công bố, quản lý phải được lắp đặt và duy trì hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.
4. Chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại trên đường thủy nội địa có trách nhiệm lắp đặt kịp thời và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình hoặc thời gian tồn tại vật chướng ngại đó.
5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về báo hiệu đường thuỷ nội địa.
Theo quy định trên, hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa gồm những báo hiệu sau:
+ Báo hiệu dẫn luồng để chỉ giới hạn luồng hoặc hướng tàu chạy.
+ Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm để chỉ nơi có vật chướng ngại hoặc vị trí nguy hiểm khác trên luồng.
+ Báo hiệu thông báo chỉ dẫn để thông báo cấm, thông báo hạn chế hoặc chỉ dẫn các tình huống có liên quan đến luồng.
Đường thủy nội địa (Hình từ Internet)
Người buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 1, điểm a khoản 9 Điều 11 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Làm rơi rơm, rạ xuống vùng nước đường thủy nội địa;
b) Buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.
...
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc di chuyển súc vật, phương tiện, cây, đồ vật, lều, quán, tre, gỗ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc phá dỡ nhà, nhà nổi, công trình vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 6, điểm b khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này.
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả
...
5. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, người buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị buộc di chuyển súc vật ra khỏi báo hiệu đường thủy nội địa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa không?
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
...
Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
...
Như vậy, người buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền với mức phạt cao nhất là 1.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt người này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Có phải ký hợp đồng đào tạo khi người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình không?
- Những ai được bắt người đang bị truy nã? Có được bắt người đang bị truy nã vào ban đêm hay không?
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là bao lâu? Theo Luật Đất đai 2024 chuyển nhượng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng có được không?
- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở có phải cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng không?
- Thời hạn sử dụng của đất trồng cây lâu năm theo hình thức giao đất tối đa hiện nay là bao nhiêu?