Lắp đặt camera quay trộm nhà hàng xóm bị xử lý như thế nào? Quy định của pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư như thế nào?
Hành vi đặt camera quay trộm có xâm phạm quyền về đến đời sống riêng tư người khác không?
Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Đồng thời, tại Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định:
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Từ những quy định trên thì có thể hiểu rằng pháp luật bảo vệ quyền về đời sống riêng tư của cá nhân, gia đình, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình cũng như danh dự, uy tín của mình.
Khi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, của gia đình thì phải được những người đó đồng ý, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định khác.
Mặc dù việc lắp đặt camera là trong khuôn viên nhà hàng xóm nhưng nếu mình có đầy đủ cơ sở cho rằng nhà hàng xóm đang cố tình quay trộm mình, lấy những hình ảnh cá nhân của mình mà không xin phép và có đầy đủ chứng cứ thì có thể yêu cầu họ dừng ngay việc này lại hoặc khởi kiện ra Tòa án.
Trường hợp hành vi của họ mà gây thiệt hại cho mình thì mình có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần cho mình.
Lắp đặt camera quay trộm nhà hàng xóm bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Hành vi lắp đặt camera quay trộm bị xử lý như thế nào?
Hiện tại chưa có chế tài cụ thể xử lý đối với hành vi lắp đặt camera này, nên trên thực tế thì cũng rất khó xác định hành vi vi phạm cụ thể, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ và hành vi vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;
Trong trường hợp thực hiện hành vi lắp đặt camera quay trộm có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Với trường hợp đặt camera quay trộm và phát tán hình ảnh có nội dung nhạy cảm, người thực hiện sẽ phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Có quyền tố cáo hành vi lắp đặt camera quay trộm không?
Căn cứ theo quy định của pháp luật, nếu xét thấy hành vi lắp đặt camera quay trộm trên ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình thì anh có quyền tố cáo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố Tụng Hình sự 2015, cụ thể:
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Do đó, khi bị lắp đặt camera quay trộm thì anh hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi với cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố giác tội phạm quy định tại Điều 144, Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Như vậy, người bị hại có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Bạn có thể tố giác bằng văn bản hoặc bằng miệng cơ quan tiếp nhận sẽ lập biên bản và có chữ ký của người tố giác là anh.
Tuy nhiên, anh nên chuẩn bị trước những chứng cứ mang tính xác thực để làm căn cứ cho những việc mình đang trình báo với cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ như anh có clip được cho là quay trộm, cùng với những thiệt hại về mặt tinh thần, vật chất do hành vi quay trộm gây ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?