Kiểm tra hải quan là gì? Ai có thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan theo quy định pháp luật?
Kiểm tra hải quan là gì?
Kiểm tra hải quan là gì thì căn cứ quy định tại Điều 4 Luật Hải quan 2014 có giải thích như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của Luật này.
9. Kho bảo thuế là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế.
10. Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
11. Kiểm soát hải quan là biện pháp tuần tra, điều tra, xác minh hoặc biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan áp dụng để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.
12. Kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
...
Theo đó, kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Kiểm tra hải quan là gì? Ai có thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan?
Căn cứ Điều 31 Luật Hải quan 2014 quy định về căn cứ, thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan như sau:
Căn cứ, thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan
Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin có liên quan đến hàng hóa, thủ trưởng cơ quan hải quan nơi xử lý hồ sơ hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Theo đó, Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi xử lý hồ sơ hải quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin có liên quan đến hàng hóa.
Việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa được quy định thế nào?
Việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa được quy định tại Điều 32 Luật Hải quan 2014, Điều 33 Luật Hải quan 2014 và Điều 34 Luật Hải quan 2014 cụ thể như sau:
(A) Kiểm tra hồ sơ hải quan (Điều 32 Luật Hải quan 2014):
Khi kiểm tra hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, sự phù hợp của nội dung khai hải quan với chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan.
(B) Kiểm tra thực tế hàng hóa (Điều 33 Luật Hải quan 2014):
(1) Hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra thực tế:
- Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;
- Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;
- Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Hàng hóa quy định tại khoản (1) mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải được kiểm tra thực tế.
(3) Hàng hóa không thuộc quy định tại khoản (1), việc kiểm tra thực tế được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
(4) Hàng hóa là động vật, thực vật sống, khó bảo quản, hàng hóa đặc biệt khác được ưu tiên kiểm tra trước.
(5) Việc kiểm tra thực tế hàng hóa do công chức hải quan thực hiện trực tiếp hoặc bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải có mặt của người khai hải quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ sau khi đăng ký tờ khai hải quan và hàng hóa đã được đưa đến địa điểm kiểm tra, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 Luật Hải quan 2014.
(6) Việc kiểm tra thực tế hàng hóa tại địa điểm kiểm tra chung với nước láng giềng được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên.
(7) Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
(C) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan (Điều 34 Luật Hải quan 2014)
(1) Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan do thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định và chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Để bảo vệ an ninh;
- Để bảo vệ vệ sinh, môi trường;
- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(2) Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan được tiến hành dưới các hình thức:
- Kiểm tra không xâm nhập qua máy soi;
- Kiểm tra bằng thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác của cơ quan hải quan;
- Mở hàng hóa để kiểm tra trực tiếp với sự chứng kiến của đại diện cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?
- Mẫu Quyết định khen thưởng nhân viên xuất sắc dịp Tết cuối năm? Tải về Mẫu Quyết định khen thưởng?
- Từ năm 2025, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông, người lái xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu?
- Mẫu Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc tách công ty mới nhất? Tải về file word mẫu biên bản họp?
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?