Từ 12/12/2022, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng?
Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được cấp khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, việc cấp văn bằng chứng chỉ được quy định như sau:
Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
1. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:
a) Người học học hết chương trình đào tạo trình độ sơ cấp có đủ điều kiện thì được kiểm tra hoặc thi kết thúc khóa học, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp được phép hoạt động đào tạo nghề nghiệp cấp chứng chỉ sơ cấp;
b) Học sinh học hết chương trình đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc học sinh học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp;
c) Sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc sinh viên học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nếu tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định thì được hiệu trưởng trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.
Như vậy, văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được cấp khi người học, học sinh, sinh viên đủ điều kiện, yêu cầu theo nội dung nêu trên.
Khi cấp bằng văn, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở mình cấp trên Trang Thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp tại địa chỉ http://vanbang.gdnn.gov.vn.
Nếu không thực hiện nội dung này, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động theo Điều 21 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 24/2022/NĐ-CP.
Từ 12/12/2022, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng? (Hình từ Internet)
Mức xử phạt khi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác là bao nhiêu?
Ngày 26/10/2022, Chính Phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, việc xử phạt hành chính trong việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;
b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc công khai đầy đủ, chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định này, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng, ngoài ra còn phải nộp lại văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền.
So với quy định hiện nay, mức phạt này đã được nâng lên cao hơn từ 7.000.000 đến 15.000.000 đồng.
Cụ thể, quy định này được thể hiện tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác.
Quy định nâng mức phạt khi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác khi nào được áp dụng?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 43 Nghị định 88/2022/NĐ-CP, quy định về hiệu lực thi hành của văn bản như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2022.
2. Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Như vậy, mức phạt với cho hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 12/12/2022.
Theo đó, khi Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực, các nội dung hiện hành tại Nghị định 79/2015/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thanh tra thuế là gì? Được gia hạn thời hạn thanh tra thuế trong các trường hợp nào theo quy định?
- Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
- Quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền Mẫu 9-KNĐ? Xây dựng, thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên ở chi bộ thế nào?
- Thông tin người nộp thuế là thông tin do người nộp thuế cung cấp hay do cơ quan thuế thu thập được?
- Giáo viên chủ nhiệm có được tham dự các cuộc họp của Hội đồng kỷ luật học sinh? Giáo viên có được làm chủ tịch Hội đồng kỷ luật học sinh?