Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ dự tuyển công chức nhà nước theo phương thức thi tuyển hay xét tuyển?
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ dự tuyển công chức nhà nước theo hình thức thi tuyển hay xét tuyển? Nguyên tắc tuyển dụng thế nào?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.
Hiện nay, việc tuyển dụng công chức nhà nước được thực hiện theo các phương thức sau:
- Thi tuyển;
- Xét tuyển;
- Tiếp nhận theo quyết định của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức đối với một số trường hợp nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.
Căn cứ Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do Chính phủ ban hành. Tại Điều 10 Nghị định 138/2020/NĐ-CP có quy định về đối tượng xét tuyển công chức như sau:
Đối tượng xét tuyển công chức
1. Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
a) Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
2. Việc tuyển dụng đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Như vậy, theo quy định được trích dẫn nêu trên thì sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ đăng ký dự tuyển công chức theo phương thức xét tuyển.
Theo đó, việc tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 38 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:
Nguyên tắc tuyển dụng công chức
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.
4. Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Như vậy, việc tuyển dụng công chức đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc phải đáp ứng theo 04 nguyên tắc tuyển dụng nêu trên. Người có tài năng là một trong những đối tượng ưu tiên tuyển dụng.
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ dự tuyển công chức nhà nước theo phương thức thi tuyển hay xét tuyển?
Xét tuyển công chức bao gồm mấy vòng theo quy định hiện nay?
Căn cứ quy định về nội dung, hình thức xét tuyển công chức được quy định tại Điều 11 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
Nội dung, hình thức xét tuyển công chức
Xét tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng như sau:
1. Vòng 1
Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
2. Vòng 2
a) Phỏng vấn để kiểm tra về kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
b) Thời gian phỏng vấn 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị trước khi phỏng vấn);
c) Thang điểm: 100 điểm.
Như vậy, hiện nay công tác xét tuyển công chức nhà nước được thực hiện qua 02 vòng:
- Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển
- Vòng 2: Phỏng vấn
Có được bảo lưu kết quả xét tuyển công chức trong trường hợp không trúng tuyển không?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức như sau:
Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức
1. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có kết quả điểm vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên;
b) Có kết quả điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 5 Nghị định này (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
3. Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
Như vậy, căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 138/2020/NĐ-CP được trích dẫn trên thì trong trường hợp không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức, người đăng ký xét tuyển không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo thành tích công đoàn 2024 dành cho tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Giỏi việc nước đảm việc nhà 2024?
- Pháp điển là gì? Bộ pháp điển là gì? phapdien moj Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển cụ thể thế nào?
- Mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Văn hóa thể thao 2024? Tải mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở ở đâu?
- Thông tư 27/2024 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hồ sơ đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đầu tư công trình năng lượng?
- 'Phông bạt từ thiện' là gì? Sửa chữa, làm giả bill chuyển khoản nhưng không gây thiệt hại có vi phạm pháp luật?