Quy định mới về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp? Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường khi nào?
- Quy định mới về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu là gì?
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp khi nào?
- Công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp bao gồm những tài liệu nào?
- Quy định thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước được thay đổi như thế nào?
Quy định mới về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu là gì?
Trước đây, Nghị định 153/2020/NĐ-CP chưa có nội dung điều chỉnh vấn đề thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, quy định mới về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp đã được bổ sung như sau:
Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu
...
4. Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định sau:
a) Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;
b) Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp nhận;
5. Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
Như vậy, các quy định trên được đặt ra nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc phát hành trái phiếu và sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Quy định mới về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp? Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp khi nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp khi nào?
Trước đây, Điều 22 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp trong hai trường hợp:
+ Bị tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; khi có Quyết định về việc tổ chức lại hoặc chuyển đổi doanh nghiệp;
+ Có sự thay đổi về nội dung thông tin so với thông tin đã công bố khi chào bán trái phiếu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Hiện nay, tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm ba trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp như sau:
+ Thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã phát hành, thay đổi đại diện người sở hữu trái phiếu.
+ Phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc.
+ Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.
Như vậy từ ngày 16/9/2022, khi rơi vào một trong năm trường hợp trên, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp.
Công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp bao gồm những tài liệu nào?
Căn cứ quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bao gồm các tài liệu sau
+ Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán hoặc đã được soát xét (nếu có); báo cáo tài chính năm chưa kiểm toán và báo cáo tài chính 06 tháng chưa kiểm toán, chưa được soát xét phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận số liệu. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính công bố thông tin gồm báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty mẹ.
+ Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
+ Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm.
+ Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.
+ Đối với trái phiếu xanh, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hàng năm doanh nghiệp phát hành phải lập báo cáo về việc hạch toán, quản lý sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán; báo cáo tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Như vậy, so với quy định cũ, quy định mới đã bỏ báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Mà bổ sung hai loại tài liệu khác cụ thể hơn là: Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm; và Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.
Quy định thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước được thay đổi như thế nào?
Nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn về tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã có quy định sửa đổi về thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước.
Theo đó, trước đây thời hạn để doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán là 10 ngày. Thì hiện nay, áp dụng quy định mới sửa đổi, khoản 15 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã rút ngắn thời hạn này từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.
Trường hợp doanh nghiệp chào bán không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch Chứng khoán.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/9/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?