QCVN 75:2023/BTNMT về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT?
- Yêu cầu kỹ thuật thể hiện nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như thế nào?
- Thể hiện tên các đối tượng giao thông trong bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như thế nào?
- QCVN 75:2023/BTNMT kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 có hiệu lực thi hành khi nào?
Yêu cầu kỹ thuật thể hiện nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như thế nào?
Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 QCVN 75:2023/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT có nêu rõ yêu cầu kỹ thuật thể hiện nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như sau:
- Nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 được trình bày bằng các Ký hiệu tương ứng theo mẫu ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 quy định tại Điều 3 Phần II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
- Trình bày bằng ký hiệu theo tỷ lệ khi các đối tượng địa lý hình tuyến có chiều rộng đạt từ 250 m trở lên đối với tỷ lệ 1:500.000 và 500 m trở lên đối với tỷ lệ 1:1.000.000; việc trình bày bằng ký hiệu theo tỷ lệ đối với các đối tượng địa lý dạng vùng được quy định cụ thể theo từng nhóm dữ liệu bản đồ.
- Trình bày bằng ký hiệu nửa theo tỷ lệ khi các đối tượng địa lý hình tuyến có chiều rộng nhỏ hơn 250 m đối với tỷ lệ 1:500.000 và nhỏ hơn 500 m đối với tỷ lệ 1:1.000.000.
- Trình bày bằng ký hiệu không theo tỷ lệ đối với các đối tượng địa lý không đủ tiêu chí trình bày theo Điểm 2.2.2 và Điểm 2.2.3.
- Trình bày bằng ghi chú thuyết minh khi cần thuyết minh các tính chất của đối tượng địa lý. Ghi chú thuyết minh được quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
- Những yếu tố nội dung trình bày song song với khung nam bản đồ
Khi trình bày nội dung bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 các ký hiệu và ghi chú phải trình bày song song với khung nam bản đồ gồm:
+ Các ký hiệu không theo tỷ lệ;
+ Các ký hiệu tượng trưng cho phân bố thực vật;
+ Ghi chú độ cao của điểm độ cao, ghi chú độ sâu của điểm độ sâu;
+ Ghi chú dân cư, ghi chú tên riêng và ghi chú thuyết minh.
- Đối với ký hiệu và ghi chú của đối tượng địa lý hình tuyến phải trình bày theo hướng của đối tượng địa lý đó, đầu chữ và số hướng lên phía Bắc; riêng ghi chú số hiệu đường quốc lộ hướng chữ số thẳng góc với khung Nam bản đồ.
- Khi đặt ghi chú giá trị độ cao cho đường bình độ và ghi chú giá trị độ sâu cho đường bình độ sâu, đầu chữ số phải hướng lên phía địa hình cao hơn và ưu tiên đầu chữ số hướng lên phía Bắc.
- Nguyên tắc thể hiện vị trí đối tượng địa lý bằng các ký hiệu nửa theo tỷ lệ và không theo tỷ lệ
Đối với các đối tượng địa lý cần thể hiện chính xác vị trí thông qua ký hiệu phải đặt tâm của Ký hiệu trùng với tâm của đối tượng địa lý theo nguyên tắc sau:
+ Ký hiệu có dạng hình tròn, vuông, tam giác, sao, bầu dục, tâm ký hiệu là tâm của các hình đó;
+ Ký hiệu có dạng hình tuyến: tâm ký hiệu là trục của ký hiệu, trục lý hiệu là đường trục đối xứng 2 cạnh dài của ký hiệu;
+ Ký hiệu có dạng tượng hình, có đường đáy như: tháp cổ, tượng đài, lăng tẩm, chùa, sân gôn, đèn biển, khu vực nguy hiểm hàng hải, bến cảng, tâm ký hiệu là điểm giữa của đường đáy;
+ Ký hiệu có chân vuông góc hoặc chấm tròn, vòng tròn như: nhà thờ, giàn khoan, tháp khai thác, bãi tắm, bến cảng, mạch nước, đá dưới nước, tâm ký hiệu ở đỉnh góc vuông, ở chân hoặc tâm chấm tròn ở chân;
+ Ký hiệu khu khai thác, cảng hàng không nội địa, tâm ký hiệu là điểm giữa của ký hiệu đó.
- Quy định mức ưu tiên các đối tượng địa lý khi thể hiện trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000
Khi hai hay nhiều đối tượng địa lý trùng hoặc gần nhau, ưu tiên thể hiện chính xác, đúng vị trí đối với các đối tượng địa lý có mức ưu tiên cao hơn và đối tượng địa lý có nghĩa phương vị cao hơn. Những đối tượng địa lý có mức ưu tiên thấp hơn trình bày ngắt hoặc nhường nét cho những đối tượng địa lý có mức ưu tiên cao hơn. Quy định mức ưu tiên các đối tượng địa lý khi thể hiện trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như sau:
+ Đối với các đối tượng địa lý độc lập ưu tiên thể hiện theo thứ tự sau: điểm đo đạc quốc gia; đối tượng địa lý có nghĩa định hướng cao hơn; chất liệu kiên cố hơn;
+ Đối với các đối tượng địa lý hình tuyến ưu tiên thể hiện theo thứ tự sau: đường sắt, sông, suối, đường bộ, kênh, mương, ranh giới sử dụng đất, ranh giới thực vật;
+ Trường hợp đặc biệt, khi cần thể hiện cả hai đối tượng địa lý cho phép xê dịch ký hiệu 0,2 mm trên bản đồ nhưng phải đảm bảo tuân thủ mức độ ưu tiên của các đối tượng địa lý.
- Khi các ký hiệu giao nhau, ký hiệu có vị trí không gian ở trên hoặc thứ tự ưu tiên cao hơn trình bày đầy đủ, ký hiệu ở dưới ngắt để không giao cắt ký hiệu ở trên.
- Các ký hiệu không theo tỷ lệ có tâm ký hiệu nằm trên nét khung trong thì trình bày ký hiệu trên mảnh bản đồ có diện tích lớn hơn.
- Nguyên tắc thể hiện tên các đối tượng địa lý trên bản đồ
+ Khi thể hiện tên các đối tượng địa lý ưu tiên thể hiện tên những đối tượng lớn, có nghĩa quan trọng, nổi tiếng hoặc có nghĩa định hướng. Trường hợp độ dung nạp của bản đồ không cho phép thể hiện đầy đủ tên của các đối tượng địa lý hoặc nếu thể hiện đầy đủ thì ảnh hưởng đến nội dung khác và khả năng đọc của bản đồ thì có thể sử dụng chữ viết tắt danh từ chung, một số đối tượng đã được biểu thị bằng ký hiệu quy ước chỉ cần trình bày tên riêng. Các chữ viết tắt danh từ chung tuân theo quy định tại Phụ lục C của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
+ Các đối tượng địa lý có diện phân bố rộng được phép thể hiện tên lặp lại với khoảng cách thích hợp, mỹ quan nhưng phải trong phạm vi phân bố của đối tượng địa lý đó.
+ Các đối tượng địa lý dạng hình tuyến phải thể hiện tên lặp lại với khoảng cách từ 15 cm đến 20 cm trên bản đồ.
+ Các đối tượng địa lý nằm trên nhiều mảnh bản đồ thì thể hiện tên gọi trên tất cả các mảnh khi độ dung nạp nội dung bản đồ cho phép.
+ Thể hiện đầy đủ địa danh nước ngoài theo cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia công tỷ lệ. Riêng địa danh Trung Quốc ghi chú thêm phiên âm theo Hán Việt đối với địa danh quen thuộc với người Việt Nam và đặt tên đó trong ngoặc đơn, bên dưới hoặc bên phải tên chính thức.
QCVN 75:2023/BTNMT về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT? (Hình từ Internet)
Thể hiện tên các đối tượng giao thông trong bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như thế nào?
Tại tiểu mục 2.7.9 Mục 2 QCVN 75:2023/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT có nêu rõ cách thể hiện tên các đối tượng giao thông trong bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 như sau:
- Thể hiện tên của đường bộ từ cấp tỉnh trở lên; tên đường quốc lộ được trình bày trong vòng tròn, tên đường cao tốc và đường tỉnh được trình bày trong khung hình chữ nhật. Hướng chữ số vuông góc với hướng chung của đường. Những tuyến đường có tên riêng như đường Hồ Chí Minh thì trình bày thêm tên riêng.
- Thể hiện tên đèo, cầu, hầm, bến tàu thuyền khi có liên thông với đường quốc lộ, đường cao tốc, đường tỉnh và khi độ dung nạp bản đồ cho phép.
- Thể hiện tên sân bay, cảng, nhà ga nổi tiếng, có nghĩa định hướng và khi độ dung nạp bản đồ cho phép. Nếu tên nhà ga trùng với tên dân cư thì không thể hiện tên ga.
- Thể hiện tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, đèn biển, khu vực nguy hiểm khi độ dung nạp bản đồ cho phép.
QCVN 75:2023/BTNMT kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 có hiệu lực thi hành khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 17/2023/TT-BTNMT có nêu rõ như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2024.
2. Các nội dung quy định đối với bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành ký hiệu bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Các nội dung quy định đối với bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 tại Quyết định số 09/2006/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy phạm thành lập và chế in bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo đó, QCVN 75:2023/BTNMT kèm theo Thông tư 17/2023/TT-BTNMT về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:500.000, 1:1.000.000 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?
- Trong hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung gì?
- Nguyên tắc bố trí kinh phí NSNN cải tạo nâng cấp hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng?