Nhiệm vụ của Cục Hàng không Việt Nam về quản lý tàu bay, hoạt động bay được quy định như thế nào?
Mới đây, ngày 29/5/2023, Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định 651/QĐ-BGTVT năm 2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam.
Thế nào là tàu bay?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 đã khái niệm:
- Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác.
Trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.
- Theo đó, từ quy định nêu trên, tàu bay bao gồm nhiều thiết bị bay khác nhau, trong đó có máy bay. Máy bay được xem là một trong những loại tàu bay thông dụng nhất hiện nay.
Nhiệm vụ Cục Hàng không Việt Nam về quản lý tàu bay, hoạt động bay được quy định như thế nào? (Hình internet)
Người khai thác tàu bay bao gồm những ai theo quy định pháp luật?
Căn cứ tại Điều 22 Luật Hàng không dân dụng 2006 về người khai thác tàu bay:
- Người khai thác tàu bay là tổ chức, cá nhân tham gia khai thác tàu bay.
- Người khai thác tàu bay là tổ chức được khai thác tàu bay vì mục đích thương mại khi được Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.
+ Người khai thác tàu bay là cá nhân không được phép khai thác tàu bay vì mục đích thương mại.
Cụ thể, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:
- Có tổ chức bộ máy khai thác; phương thức điều hành và giám sát khai thác tàu bay phù hợp;
- Có đội ngũ nhân viên được đào tạo và có giấy phép, chứng chỉ phù hợp;
- Có chương trình huấn luyện nghiệp vụ, chương trình bảo dưỡng tàu bay phù hợp với tính chất và quy mô khai thác;
- Có tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm khai thác an toàn;
- Có đầy đủ tài liệu hướng dẫn khai thác.
*Trách nhiệm của người khai thác tàu bay (Điều 24 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006) quy định:
- Duy trì hệ thống quản lý đủ khả năng kiểm tra và giám sát khai thác tàu bay an toàn.
- Thực hiện quy định của tài liệu hướng dẫn khai thác.
- Bảo đảm các phương tiện và dịch vụ mặt đất để khai thác tàu bay an toàn.
- Bảo đảm mỗi tàu bay khi khai thác có đủ thành viên tổ bay được huấn luyện thành thạo cho các loại hình khai thác.
- Tuân thủ các yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
- Thực hiện đúng quy định trong Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, kể cả trong trường hợp sử dụng dịch vụ và nhân lực theo hợp đồng hỗ trợ khai thác, bảo dưỡng tàu bay.
- Tuân thủ các quy định khác về khai thác tàu bay.
Nhiệm vụ Cục Hàng không Việt Nam về quản lý tàu bay, hoạt động bay được quy định như thế nào?
Tại khoản 9, khoản 10 Điều 2 Quyết định 651/QĐ-BGTVT năm 2023 quy định:
- Về quản lý tàu bay và khai thác tàu bay:
+ Quản lý giao dịch bảo đảm đối với tàu bay theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thiết kế, sản xuất, thử nghiệm tàu bay, trang bị, thiết bị lắp trên tàu bay.
- Về quản lý hoạt động bay:
+ Xây dựng, trình Bộ GTVT phương án thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố đường hàng không;
+ Thẩm định, trình Bộ Giao thông vận tải đề án thành lập và hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;
+ Quản lý việc tổ chức khai thác đường hàng không, vùng trời sân bay, vùng trời cho hoạt động hàng không chung trong vùng trời Việt Nam, vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;
+ Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố, phân công khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;
+ Phối hợp với cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan khác trong việc tổ chức, sử dụng vùng trời, thiết lập, công bố, quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và danh mục chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay hàng không dân dụng;
+ Phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự, quản lý hoạt động bay đặc biệt, tìm kiếm cứu nạn, quản lý, sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không theo quy định.
Nhiệm vụ Cục Hàng không Việt Nam về an toàn, an ninh hàng không được quy định như thế nào tại Quyết định mới?
Căn cứ khoản 11, khoản 12 Điều 2 Quyết định 651/QĐ-BGTVT năm 2023 quy định nhiệm vụ Cục Hàng không Việt Nam về an toàn, an ninh hàng không bao gồm:
- Về an toàn hàng không:
+ Xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành chương trình an toàn hàng không quốc gia, chương trình an toàn đường cất hạ cánh;
+ Tổ chức cung cấp dịch vụ đọc, kiểm tra và phân tích tham số bay, thiết bị ghi âm buồng lái của tàu bay cho người khai thác tàu bay;
+ Tổ chức kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động trên phương tiện vận tải đường hàng không;
- Về an ninh hàng không:
+ Xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình an ninh hàng không Việt Nam, Chương trình kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, Chương trình đào tạo huấn luyện an ninh hàng không Việt Nam;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không;
+ Phối hợp với cơ quan, đơn vị của các Bộ và cơ quan có liên quan khác trong việc đánh giá nguy cơ uy hiếp an ninh hàng không để tính toán mức độ rủi ro đối với hoạt động hàng không dân dụng;
+ Thẩm định thiết kế đối với kết cấu hạ tầng hàng không về các yêu cầu, tiêu chuẩn an ninh hàng không;
+ Quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không đối với các đối tượng vi phạm pháp luật theo quy định;
+ Quyết định áp dụng, hủy bỏ cấp độ kiểm soát an ninh hàng không tăng cường theo quy định
Xem chi tiết toàn văn tại đây Quyết định 651/QĐ-BGTVT năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vận động viên đe dọa xâm phạm sức khỏe tính mạng trong thi đấu thể thao có bị xử phạt hay không?
- Giới nghiêm là gì? Lệnh giới nghiêm trong hoạt động quốc phòng cần phải xác định những nội dung nào?
- Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước có số lượng người sử dụng bao nhiêu được xem là có quy mô rất lớn?
- Viết đoạn văn 200 chữ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa? Đặc điểm môn Văn chương trình GDPT là gì?
- Lệnh giới nghiêm có phải được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khi được ban bố không?