Công ty trả thừa lương thì có được khấu trừ lương vào tháng sau không? Các biện pháp xử lý để công ty yêu cầu hoàn lại tiền tính thừa?
Công ty trả thừa lương thì có được khấu trừ lương vào tháng sau không?
Căn cứ Điều 102 Bộ Luật lao động 2019 quy định:
Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
...
Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định.
Do đó việc khấu trừ lương tháng sau để bù lương tháng trước bị tính sai là không đúng quy định trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Trong trường hợp người lao động không đồng ý mà vẫn khấu trừ thì công ty có rủi ro bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
(Lưu ý với tổ chức mức phạt sẽ gấp 2 lần theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Công ty trả thừa lương thì có được khấu trừ lương vào tháng sau không? Các biện pháp xử lý để công ty yêu cầu hoàn lại tiền tính thừa? (Hình từ internet)
Các biện pháp xử lý để công ty yêu cầu hoàn lại tiền tính thừa?
Liên quan việc để xử lý khoản tiền tính sai và trả sai cho người lao động thì công ty có thể áp dụng một trong những cách sau:
(1) Yêu cầu người lao động hoàn lại tiền thừa
Trong trường hợp tính và trả sai lương thì ngay khi phát hiện sai sót, công ty có thể gửi yêu cầu người lao động hoàn lại khoản tiền thừa nêu trên. Có thể hoàn bằng hình thức trả tiền mặt, chuyển khoản hoặc thỏa thuận để công ty trích từ tiền lương tháng tiếp theo. Cách này chủ yếu phụ thuộc vào sự thiện chí của người lao động, trong trường hợp người lao động không đồng ý hoàn lại khoản tiền trên thì công ty cũng không có quyền cưỡng chế, do đó phải nhờ sự can thiệp của cơ quan nhà nước theo các cách dưới đây.
(2) Khởi kiện vụ án dân sự
Căn cứ Điều 186 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc người lao động nhận được khoản tiền thừa do công ty nhầm lẫn trong việc tính lương, đã được công ty yêu cầu hoàn lại người lao động vẫn không trả lại thì có thể xem là đang chiếm giữ trái phép tài sản, do đó đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, vì vậy công ty có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
(3) Tố giác tội phạm
Căn cứ Điều 176 Bộ Luật hình sự 2015 được được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của công ty giao nhầm, đã được yêu cầu trả lại nhưng vẫn không thực hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy tùy từng trường hợp, mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà công ty có thể cân nhắc biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Hình thức trả lương cho người lao động?
Căn cứ tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức trả lương cho người lao động như sau:
- Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá có phải là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp không?
- Khi giải trình đối tượng thanh tra công an nhân dân có cần thực hiện việc giải trình bằng văn bản không?
- Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật theo quy định mới nhất 2025? Bố cục của văn bản quy phạm pháp luật?
- Quốc thiều nước CHXHCN Việt Nam là gì? Sử dụng Quốc thiều trong lễ đón Nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước thế nào?
- Quyết định 940/QÐ-BVHTTDL năm 2025 tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh?