Chứng từ kế toán trong giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt bao gồm những loại nào?
- Thế nào là chứng từ kế toán? Nội dung của một chứng từ kế toán ra sao?
- Chứng từ kế toán trong giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt bao gồm những gì?
- Trách nhiệm lập chứng từ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt thuộc về những cơ quan nào?
Thế nào là chứng từ kế toán? Nội dung của một chứng từ kế toán ra sao?
Căn cứ theo nội dung tại khoản 1 Điều 18 Luật Kế toán 2015 thì các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của đơn vị kế toán phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
Theo đó, khái niệm chứng từ kế toán được giải thích tại khoản 3 Điều 3 Luật Kế toán 2015 là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
Về nội dung của chứng từ kế toán, khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán 2015 có quy định như sau:
Nội dung chứng từ kế toán
1. Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
d) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.
Như vậy, chứng từ kế toán sẽ bao gồm 07 nội dung cơ bản nêu trên. Ngoài ra, tùy theo từng loại chứng từ kế toán mà sẽ có thể những nội dung bổ sung khác.
Khi lập chứng từ kế toán, người lập, người duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán.
Chứng từ kế toán trong giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt bao gồm những loại nào? (Hình từ Internet)
Chứng từ kế toán trong giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt bao gồm những gì?
Căn cứ Thông tư 25/2022/TT-NHNN về quy định chế độ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các chứng từ kế toán trong giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 25/2022/TT-NHNN như sau:
Chứng từ kế toán
1. Kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt sử dụng các chứng từ kế toán sau:
a) Chứng từ sử dụng khi nhập tiền, xuất tiền thuộc Quỹ dự trữ phát hành, gồm: Lệnh điều chuyển hoặc Lệnh xuất - nhập Quỹ dự trữ phát hành; phiếu nhập kho, phiếu xuất kho và biên bản giao nhận tiền;
b) Chứng từ sử dụng trong thu tiền, chi tiền thuộc Quỹ nghiệp vụ phát hành, gồm: Giấy nộp tiền, séc, lệnh chuyển Có, giấy lĩnh tiền, phiếu thu, phiếu chi và bảng kê các loại tiền thu, bảng kê các loại tiền chi;
c) Chứng từ sử dụng khi nhập tiền tiêu hủy, gồm: Lệnh điều chuyển, phiếu nhập kho và biên bản giao nhận tiền;
d) Chứng từ sử dụng khi xuất tiền tiêu hủy, gồm: Lệnh điều chuyển, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận tiền;
đ) Chứng từ sử dụng khi nhập tiền mới in, đúc nhận từ đơn vị sản xuất, gồm: phiếu nhập kho, biên bản giao nhận tiền;
e) Các chứng từ khác: Biên bản chi tiết kết quả kiểm đếm và biên bản tổng hợp kết quả kiểm đếm của Hội đồng kiểm đếm, biên bản tạm thu giữ tiền, biên bản thu giữ tiền, biên bản phát hiện tiền có lỗi kỹ thuật, và giấy ủy quyền vận chuyển.
Phiếu nhập kho/phiếu xuất kho, giấy nộp tiền, phiếu hạch toán Nợ/Có tài khoản ngoại bảng “tiền đang vận chuyển” được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục số IXA đến Phụ lục số IXĐ ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, khi giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt sẽ sử dụng các loại chứng từ kế toán nêu trên.
Trách nhiệm lập chứng từ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt thuộc về những cơ quan nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 6 Thông tư 25/2022/TT-NHNN, trách nhiệm lập chứng từ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi và tiêu hủy tiền mặt thuộc về những cơ quan sau:
- Vụ Tài chính - Kế toán lập phiếu nhập kho/phiếu xuất kho đối với việc nhập tiền, xuất tiền tại kho tiền I;
- Phòng Kế toán - Tài vụ của Chi cục Phát hành và Kho quỹ lập phiếu nhập kho/phiếu xuất kho đối với việc nhập tiền, xuất tiền tại kho tiền II;
- Phòng Kế toán - Thanh toán của các NHNN chi nhánh lập phiếu nhập kho/phiếu xuất kho, phiếu thu/phiếu chi đối với việc nhập tiền, xuất tiền tại kho tiền NHNN chi nhánh, Phòng Kế toán của Sở Giao dịch lập phiếu thu/phiếu chi đối với việc nhập tiền, xuất tiền tại kho tiền Sở Giao dịch;
- Bộ phận kế toán Hội đồng tiêu hủy lập phiếu nhập kho/phiếu xuất kho đối với việc nhập tiền, xuất tiền tiêu hủy tại các Cụm tiêu hủy.
Thông tư 25/2022/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?
- Người sử dụng dịch vụ bưu chính cung cấp thông tin về bưu gửi không đầy đủ theo yêu cầu của dịch vụ sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
- Danh sách người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng được niêm yết tại đâu? Thời hạn công khai danh sách?
- Tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ thế nào theo Luật Đất đai mới?