Cách xử lý khi xảy ra động đất năm 2025? Động đất là gì? Khi nào động đất sẽ được cảnh báo và truyền tin?
Cách xử lý khi xảy ra động đất năm 2025?
Dưới đây là các cách xử lý khi xảy ra động đất mà bạn có thể tham khảo và áp dụng trong tình huống xuất hiện động đất khẩn cấp:
(1) Trường hợp được dự báo động đất sẽ xảy ra – Chuẩn bị sẵn sàng như sau
- Xác định lối thoát hiểm trong nhà, nơi làm việc, trường học.
- Luyện tập sơ tán với gia đình, đồng nghiệp để biết cách phản ứng nhanh.
- Chuẩn bị túi khẩn cấp, bao gồm:
+ Nước uống, thực phẩm khô đủ dùng trong 3 ngày;
+ Đèn pin, pin dự phòng, radio cầm tay;
+ Bộ sơ cứu với bông băng, thuốc sát trùng, thuốc cơ bản;
+ Tiền mặt, giấy tờ tùy thân, sạc dự phòng;
+ Áo ấm, găng tay, khẩu trang.
- Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà:
+ Cố định kệ sách, tủ đồ vào tường để tránh đổ;
+ Không đặt vật nặng ở trên cao, đặc biệt là đồ thủy tinh hoặc gương;
+ Biết cách tắt gas, điện khi cần thiết để tránh rò rỉ gây cháy nổ.
(2) Khi xảy ra động đất – Xử lý theo một số tình huống cụ thể
Nếu bạn đang ở trong nhà
- Giữ bình tĩnh, không chạy ra ngoài ngay lập tức vì có thể bị thương do gạch đá rơi.
- Tìm nơi trú ẩn an toàn:
+ Núp dưới bàn chắc chắn, gầm giường hoặc sát tường chịu lực;
+ Nếu không có chỗ núp, ngồi xuống và dùng tay che đầu, cổ;
+ Tránh xa cửa sổ, gương, đèn chùm, tủ sách, kệ đồ vì có thể rơi vỡ;
+ Không dùng thang máy vì có thể bị kẹt khi mất điện;
+ Ở nguyên vị trí cho đến khi rung lắc dừng lại.
Nếu bạn đang ở ngoài trời
- Di chuyển ngay đến khu vực trống trải, tránh xa cây lớn, cột điện, tòa nhà, bảng quảng cáo.
- Nếu không kịp chạy xa, cúi người xuống, dùng tay hoặc túi xách che đầu để bảo vệ khỏi vật rơi.
- Không đứng gần mép sông, hồ hoặc khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Nếu bạn đang ở trong xe ô tô
- Giữ tay lái chắc, giảm tốc độ từ từ, không phanh gấp.
- Đỗ xe vào lề đường, lưu ý tránh cầu, đường hầm, cột điện.
- Ở nguyên trong xe cho đến khi động đất dừng lại.
Nếu bạn đang ở gần biển
- Động đất mạnh có thể gây sóng thần. Nếu cảm thấy rung chấn mạnh hoặc nhận được cảnh báo, hãy di chuyển ngay lên vùng đất cao.
- Không quay lại khu vực ven biển cho đến khi có thông báo an toàn từ chính quyền.
(3) Những điều KHÔNG NÊN làm khi động đất xảy ra
- Không chạy ra ngoài ngay lập tức
Nếu bạn đang ở trong nhà, chạy ra ngoài có thể nguy hiểm hơn do tường, kính, hoặc mái nhà có thể đổ sập. Hãy trú ẩn tại chỗ an toàn trước khi sơ tán.
- Không đứng dưới khung cửa, cửa sổ
Trái với suy nghĩ phổ biến, khung cửa không phải là nơi an toàn nhất, đặc biệt là trong các tòa nhà hiện đại. Tốt hơn hết là núp dưới bàn hoặc sát tường chịu lực.
- Không sử dụng thang máy
Động đất có thể làm mất điện hoặc gây hư hại hệ thống thang máy, khiến bạn bị kẹt bên trong.
- Không thắp nến hoặc bật lửa ngay sau động đất
Có thể có rò rỉ khí gas mà bạn không phát hiện ra. Dùng đèn pin thay vì bật lửa hoặc bật công tắc điện.
(4) Sau khi động đất kết thúc
- Kiểm tra xem mình hoặc người xung quanh có bị thương không. Nếu có, sơ cứu ngay lập tức.
- Cẩn thận với dư chấn, không quay lại nhà ngay nếu có dấu hiệu sụp đổ.
- Tắt điện, gas, nước nếu có thể để tránh nguy cơ cháy nổ.
- Nghe đài, tin tức chính thống để cập nhật tình hình.
- Không dùng điện thoại trừ khi cần thiết để tránh quá tải hệ thống.
- Nếu ở trong vùng thiệt hại nặng, di chuyển đến nơi sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Thông tin "Cách xử lý khi xảy ra động đất năm 2025?" chỉ mang tính chất tham khảo.
*Trên đây là thông tin "Cách xử lý khi xảy ra động đất năm 2025?"
Cách xử lý khi xảy ra động đất năm 2025? Động đất là gì? Khi nào động đất sẽ được cảnh báo và truyền tin? (Hình từ Internet)
Động đất là gì? Khi nào động đất sẽ được cảnh báo và truyền tin?
Căn cứ tại khoản 33 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì:
Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Căn cứ tại khoản 38 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định:
Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi.
Và trong Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, độ lớn động đất sử dụng thang độ mô men.
Động đất được phân thành các loại:
- Vi động đất (M<2,0);
- Động đất yếu (2,0≤M≤3,9);
- Động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9);
- Động đất trung bình (5,0≤M≤5,9);
- Động đất mạnh (6,0≤M≤6,9);
- Động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9);
- Động đất hủy diệt (M≥8,0).
Đồng thời, tại khoản 8, 9 Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg thì trong 02 trường hợp sau đây thì động đất sẽ được dự báo, cảnh báo và truyền tin:
- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai?
Căn cứ tại Điều 6 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai bao gồm:
(1) Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg.
(2) Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên và cấp độ rủi ro thiên tai quy định tại khoản 7 Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg.
(3) Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ban hành các bản tin động đất, cảnh báo sóng thần và cấp độ rủi ro thiên tai quy định từ khoản 8 đến khoản 10 Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg.
(4) Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai do các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg ban hành là bản tin chính thức, được sử dụng trong chỉ đạo điều hành hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Vi điều khiển là gì? Cấu trúc vi điều khiển? Phân loại vi điều khiển? Yêu cầu cần đạt khi học vi điều khiển Công nghệ lớp 12?
- Quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ theo Luật Đường bộ mới nhất?
- Quyết định 06/2025/QĐ-TTg về việc đặt hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với cơ sở in, đúc tiền để in tiền giấy, sản xuất tiền kim loại?
- Danh mục bí mật nhà nước mức độ Mật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường bao gồm những gì?
- Từ vựng tiếng Anh về Giỗ tổ Hùng Vương? Giới thiệu về Giỗ tổ Hùng Vương bằng tiếng Anh ngắn gọn?