Hai anh em ruột cưới hai chị em ruột được không? Để đăng ký kết hôn cần đáp ứng những điều kiện gì?
Hai anh em ruột cưới hai chị em ruột được không?
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Theo đó, những hành vi sau đây là hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình:
“Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng” (điểm d khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Theo đó, nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì hai anh em ruột vẫn có thể cưới hai chị em ruột nếu đáp ứng được các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Hai anh em ruột cưới hai chị em ruột được không? Để đăng ký kết hôn cần đáp ứng những điều kiện gì? (hình từ internet)
Để đăng ký kết hôn cần đáp ứng những điều kiện gì?
Điều kiện đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể như sau:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo đó, để có thể đăng ký kết hôn, nam nữ cần tuân theo các điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện và năng lực hành vi dân sự, cụ thể:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Lưu ý: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Có thể đăng ký kết hôn tại quê vợ hay không?
Đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:
Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Dẫn chiếu đến Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Theo đó, việc kết hôn phải được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
Hay nói cách khác thì việc đăng ký kết hôn có thể thực hiện tại quê của vợ (cụ thể là tại Ủy ban nhân dân xã, phường hoặc thị trấn nơi cư trú của vợ).
Về thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch 2014, cụ thể:
Bước 01: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Bước 02: Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?