Giống vật nuôi mới có phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất không? Tên giống vật nuôi mới có được đặt từ 02 tên trở lên và chỉ có chữ số được không?
Giống vật nuôi mới là gì? Giống vật nuôi có phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất không?
Căn cứ khoản 9 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.
Theo đó, tại khoản 11 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 định nghĩa giống vật nuôi mới như sau;
Dòng, giống vật nuôi mới là dòng, giống vật nuôi lần đầu được tạo ra trong nước hoặc lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam.
Giống vật nuôi mới được xác định là giống vật nuôi lần đầu được tạo ra trong nước hoặc lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, trước khi được đưa ra sản xuất, giống vật nuôi mới cần đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật, cụ thể việc khảo nghiệm giống vật nuôi mới được quy định tại Điều 26 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:
"Điều 26. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
1. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi là việc chăn nuôi và theo dõi một dòng, giống vật nuôi cụ thể trong điều kiện và thời gian nhất định để xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của dòng, giống đó.
2. Dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất, trừ dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tại cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi."
Căn cứ quy định trên, ta thấy giống vật nuôi trước khi đưa ra sản xuất cần phải được thực hiện khảo nghiệm theo quy định (trừ dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép).
Giống vật nuôi có phải khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất không?
Giống vật nuôi mới được công nhận theo thủ tục nào?
Theo Điều 30 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về việc công nhận dòng, giống vật nuôi mới như sau:
- Hồ sơ công nhận dòng, giống vật nuôi mới bao gồm:
+ Đơn đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới, ghi rõ tên dòng, giống vật nuôi, nguồn gốc, xuất xứ;
+ Kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
- Việc công nhận dòng, giống vật nuôi mới được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới gửi 01 bộ hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận dòng, giống vật nuôi mới; trường hợp không đạt yêu cầu phải nêu rõ lý do.
Như vậy, tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để được công nhận giống vật nuôi mới.
Tên giống vật nuôi mới có thể đặt từ 02 tên trở lên và chỉ có chữ số được không?
Khi đặt tên cho giống vật nuôi mới, tổ chức, cá nhân cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc đặt tên được quy định tại Điều 29 Luật Chăn nuôi 2018 như sau:
- Mỗi dòng, giống vật nuôi mới chỉ được đặt một tên phù hợp bằng tiếng Việt.
- Việc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới phải bảo đảm không thuộc trường hợp sau đây:
+ Trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dòng, giống vật nuôi đã được công nhận;
+ Chỉ bao gồm chữ số;
+ Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
+ Trùng với cách đọc hoặc cách viết tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân;
+ Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Như vậy, theo quy định trên, việc đặt tên cho giống vật nuôi mới cần tuân thủ theo nguyên tắc pháp luật quy định. Theo đó, tên của giống vật nuôi mới chỉ được đặt một tên phù hợp bằng tiếng Việt và không được chỉ bao gồm chữ số.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Ngân hàng Nhà nước như thế nào theo thông tư 45?
- Tổng hợp 05 cách viết báo cáo thành tích tập thể đề nghị khen thưởng hay, chi tiết chuẩn Nghị định 98?
- Thời điểm thông quan hàng hóa khi đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa nộp đủ số tiền thuế?
- Trữ lượng dầu khí là gì? Nội dung chính của báo cáo trữ lượng dầu khí bao gồm những nội dung gì?
- Điện mặt trời mái nhà là gì? Có được sử dụng tấm quang điện đã qua sử dụng khi đầu tư xây dựng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ?