Giám đốc công ty được bổ nhiệm nhưng không được ký hợp đồng lao động phải đóng những khoản bảo hiểm nào?
- Giám đốc công ty được hội đồng quản trị bổ nhiệm, không ký hợp đồng lao động thì có phải là người quản lý doanh nghiệp không?
- Giám đốc công ty được bổ nhiệm bởi Hội đồng quản trị, không ký hợp đồng lao động thì phải đóng những khoản bảo hiểm nào?
- Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm giám đốc công ty không thông qua HĐQT có đúng luật?
Giám đốc công ty được hội đồng quản trị bổ nhiệm, không ký hợp đồng lao động thì có phải là người quản lý doanh nghiệp không?
Căn cứ khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người quản lý tiền lương như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty."
Theo đó, giám đốc công ty được xác định là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp nêu trên không phụ thuộc vào việc được bổ nhiệm bởi Hội đồng quản trị hay là được tuyển dụng và ký hợp đồng lao động.
Giám đốc công ty
Giám đốc công ty được bổ nhiệm bởi Hội đồng quản trị, không ký hợp đồng lao động thì phải đóng những khoản bảo hiểm nào?
Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng áp dụng:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
...
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;"
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:
"Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);"
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:
"Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp."
Từ các quy định trên ta có thể thấy giám đốc công ty có hưởng tiền lương dựa trên quyết định bổ nhiệm của Hội đồng quản trị mà không ký hợp đồng lao động là người quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế nhưng không đóng bảo hiểm thất nghiệp vì đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm giám đốc công ty không thông qua HĐQT có đúng luật?
Căn cứ khoản 3 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ tịch hội đồng quản trị:
"Điều 156. Chủ tịch Hội đồng quản trị
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông;
e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty."
Căn cứ điểm i khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của hội đồng quản trị:
"Điều 153. Hội đồng quản trị
2. Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
...
i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;"
Theo đó, chỉ có hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định.
Như vậy, nếu Chủ tịch hội đồng quản trị tự ý bổ nhiệm giám đốc công ty không thông qua hội đồng quản trị là trái quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?