Dự toán mua sắm được áp dụng trong phạm vi nào? Chia dự án, dự toán mua sắm để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có được không?
Dự toán mua sắm được áp dụng trong phạm vi nào?
Dự toán mua sắm được quy định tại Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Giải thích từ ngữ
...
7. Dự toán mua sắm là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác; dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
...
Theo đó, dự toán mua sắm được áp dụng:
- Trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác;
- Trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự toán mua sắm được áp dụng trong phạm vi nào? (Hình từ Internet)
Chia dự án, dự toán mua sắm để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có được không?
Căn cứ khoản 6 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
...
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:
...
i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật này;
k) Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật này;
l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
...
Đối chiếu với quy định trên thì việc chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu được xem là hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch và bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu.
Chia dự án, dự toán mua sắm để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu thì bị phạt hành chính thế nào?
Căn cứ Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các điều cấm trong đấu thầu như sau:
Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
2. Thông thầu.
3. Gian lận trong đấu thầu.
4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
7. Chuyển nhượng thầu trái phép.
Đồng thời, căn cứ Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định:
Mức phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;
b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;
c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;
d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như đã phân tích, việc chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu được xem là hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Do đó, đối với hành vi chia dự án, dự toán mua sắm để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu thì có thể bị phạt hành chính từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc trong quá trình xây dựng không?
- Nhà nước quản lý ngoại thương thế nào? Bộ Công Thương có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về ngoại thương?
- Ai quyết định biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương?
- Mẫu phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú dành cho đảng viên? Nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú?
- Ngày 27 tháng 11 là ngày gì? Ngày 27 tháng 11 dương là ngày bao nhiêu âm 2024? Ngày 27 tháng 11 có sự kiện gì ở Việt Nam?