Doanh nghiệp xã hội không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động của mình trong quá trình hoạt động sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội là gì?
Tại khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các tiêu chí để một doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp xã hội như sau:
Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Như vậy, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội là để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ gì khác với những doanh nghiệp thông thường?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, ngoài những quyền và nghĩa vụ như những doanh nghiệp thông thường thì doanh nghiệp xã hội còn có những quyền và nghĩa vụ như sau:
- Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
- Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động;
- Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;
- Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội là bắt buộc phải duy trì mục tiêu hoạt động của mình (giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng) trong suốt quá trình hoạt động.
Doanh nghiệp xã hội (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp xã hội không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động của mình trong quá trình hoạt động sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 60 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội như sau:
Vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;
b) Sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ được huy động;
c) Không gửi cam kết, thông báo hoặc gửi cam kết, thông báo không đúng thời hạn tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có sự thay đổi nội dung, chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;
d) Không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bổ sung đủ vốn để tái đầu tư thực hiện mục tiêu đã đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc hoàn trả các khoản tài trợ được sử dụng không đúng mục đích đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc gửi cam kết, thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định trong trường hợp không gửi cam kết, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Buộc thực hiện mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức phạt trên được quy định đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp xã hội không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động là để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng trong suốt quá trình hoạt động thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Ngoài ra, khi vi phạm thì doanh nghiệp xã hội còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện mục tiêu hoạt động như quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?