Điều kiện của cơ sở nhập khẩu tàu biển để tháo dỡ là gì? Trình tự thủ tục để cơ sở phá dỡ tàu biển đi vào hoạt động được thực hiện như thế nào?
Nguyên tắc phá dỡ tàu biển quy định thế nào?
Theo Điều 47 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nguyên tắc phá dỡ tàu biển như sau:
- Việc phá dỡ tàu biển phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
- Việc phá dỡ tàu biển chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được phép hoạt động theo quy định.
- Tàu biển phá dỡ không trong tình trạng thế chấp hoặc khiếu nại hàng hải.
Bên cạnh đó, Điều 4 Nghị định 82/2019/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng như sau:
- Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, an toàn phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
- Việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định.
- Tàu biển đã qua sử dụng được nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển đầu tiên của Việt Nam; thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày bắt đầu phá dỡ.
- Doanh nghiệp nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định.
Phá dỡ tàu biển
Điều kiện để cơ sở phá dỡ tàu biển?
Tại Điều 7 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định cơ sở phá dỡ tàu biển phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có cầu cảng, luồng hàng hải đã được công bố theo quy định tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
- Đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường (được sửa đổi bởi điểm a khoản 12 Điều 167 Nghị định 08/2022/NĐ-CP)
- Có nhân lực, quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động được quy định tại Điều 8 Nghị định 82/2019/NĐ-CP thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động
Theo Điều 9 Nghị định 82/2019/NĐ-CP quy định thủ tục quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động như sau:
(1) Chủ cơ sở phá dỡ tàu biển nộp trực tiếp đến Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc cổng thông tin điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác 01 bộ hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động.
(2) Hồ sơ đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động, gồm:
- Văn bản đề nghị đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (01 bản);
- Quyết định phê duyệt kèm theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ cơ sở phá dỡ tàu biển (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
- Hồ sơ hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu);
- Hồ sơ hoàn công của cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật cho bảo vệ môi trường (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
- Quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
- Văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
(3) Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ:
Bước 1: Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn chủ cơ sở phá dỡ tàu biển hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này;
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản về kết quả thẩm định hồ sơ. Trong quá trình thẩm định, Cục Hàng hải Việt Nam được tiến hành các hoạt động: khảo sát, kiểm chứng các thông tin, số liệu về cơ sở vật chất của cơ sở phá dỡ tàu biển;
Bước 3: Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề án giải thể đơn vị hành chính cấp huyện có lấy ý kiến của Nhân dân hay không? 06 Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính?
- Thư ký Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập do ai bổ nhiệm? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký?
- Quy định về cam kết bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 như thế nào? Bên nhận bảo lãnh có quyền và nghĩa vụ ra sao?
- Tải về mẫu biên bản họp Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng hợp nhất để thành lập công ty mới?
- Mẫu phiếu đề nghị xử lý kỷ luật áp dụng đối với đoàn viên công đoàn trong tổ chức công đoàn theo Quyết định 684?