Con có được ủy quyền cho cha mẹ cải chính hộ tịch không? Cải chính hộ tịch được thực hiện trong trường hợp nào?
Cải chính hộ tịch được thực hiện trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Theo đó, cải chính hộ tịch được hiểu là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch.
Cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện trong trường hợp có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Lưu ý:
- Đối với việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ của người đó, và điều này phải được thể hiện rõ trong Tờ khai.
- Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên, ngoài sự đồng ý của cha mẹ, còn phải có sự đồng ý của người đó.
Con có được ủy quyền cho cha mẹ cải chính hộ tịch không? Cải chính hộ tịch được thực hiện trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Con có được ủy quyền cho cha mẹ cải chính hộ tịch không?
Căn cứ vào tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định như sau:
Nội dung đăng ký hộ tịch
1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
a) Khai sinh;
b) Kết hôn;
c) Giám hộ;
d) Nhận cha, mẹ, con;
đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
e) Khai tử.
...
Theo đó, việc thay đổi, cải chính hộ tịch thuộc trường hợp tiến hành thủ tục đăng ký hộ tịch.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định như sau:
Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
...
Theo đó, người yêu cầu có thể ủy quyền cho người khác để cải chính hộ tịch và việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì văn bản ủy quyền không cần phải chứng thực.
Do đó, con có thể ủy quyền cho cha mẹ thực hiện cải chính hộ tịch thay mình.
Lưu ý: Trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Bên cạnh đó, tại Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định như sau:
Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.
Như vậy, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch bao gồm:
(1) Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết việc cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết việc cải chính hộ tịch đối với:
- Người nước ngoài;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?