Có được xử lý nợ đối với người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không? Nếu có thì thực hiện thông qua biện pháp nào?
Có được xử lý nợ đối với người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không?
Tại Điều 4 Nghị quyết 94/2019/QH14 có quy định như sau:
Đối tượng được xử lý nợ
Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước:
1. Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
3. Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
4. Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
5. Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
6. Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
7. Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.
Theo đó đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có thể được xử lý nợ, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Có được xử lý nợ đối với người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không? (Hình từ Internet)
Các biện pháp xử lý nợ cho người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị quyết 94/2019/QH14 quy định:
Các biện pháp xử lý nợ
1. Khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 4 của Nghị quyết này.
Điều kiện khoanh nợ tiền thuế cho từng đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 4 của Nghị quyết này, bảo đảm điều kiện sau đây:
a) Người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết này có giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật;
b) Người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết này có quyết định giải thể hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
c) Người nộp thuế quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
d) Người nộp thuế quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh và có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc hoặc cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
...
Theo đó thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 cho người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Đồng thời để được xử lý nợ thì người nộp thuế phải có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý nợ cho người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?
Tại Điều 6 Nghị quyết 94/2019/QH14 quy định về thẩm quyền xử lý nợ được xác định như sau:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ tiền thuế.
- Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp và tổ chức được quy định như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng;
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 05 tỷ đồng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?
- Việc lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính phải tuân thủ nguyên tắc gì? Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm mấy bước?
- Nghị định 153/2024 quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 5/1/2025 thế nào?
- Mẫu Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai chuẩn Nghị định 99? Hướng dẫn ghi Sổ đăng ký thế chấp?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?