Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là gì? Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế theo các mức độ nào?
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là gì?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 31/2021/TT-BTC định nghĩa về đánh giá tuân thủ pháp luật thuế như sau:
Giải thích từ ngữ
...
6. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là việc thu thập, phân tích, xác minh, đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật về thuế với các tiêu chí, chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
7. Quản lý tuân thủ pháp luật thuế là việc cơ quan thuế thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro, phân tích hành vi của người nộp thuế, từ đó sử dụng nguồn lực hợp lý cho các biện pháp quản lý phù hợp với từng mức độ, nhằm khuyến khích tuân thủ và phòng ngừa hành vi không tuân thủ.
8. Phân tích rủi ro người nộp thuế là việc phân tích các thông tin về người nộp thuế nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế dẫn đến khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước về thuế.
9. Mức độ rủi ro là tính nghiêm trọng của rủi ro được xác định dựa trên sự kết hợp giữa tần suất và hậu quả của rủi ro.
10. Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế.
...
Như vậy, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là việc thu thập, phân tích, xác minh, đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật về thuế với các tiêu chí, chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Theo đó, tại Điều 5 Thông tư 31/2021/TT-BTC thì mức độ tuân thủ pháp luật thuế người nộp thuế được xác định theo một hoặc kết hợp các phương pháp dưới đây:
- Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm.
- Phương pháp học máy.
- Phương pháp xếp hạng theo danh mục.
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là gì? Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được đánh giá theo các mức độ nào? (hình từ internet)
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế theo các mức độ nào?
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được quy định tại Điều 10 Thông tư 31/2021/TT-BTC như sau:
Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế
1. Người nộp thuế được đánh giá, phân loại theo một trong các mức độ tuân thủ pháp luật thuế như sau:
a) Mức 1: Tuân thủ cao.
b) Mức 2: Tuân thủ trung bình.
c) Mức 3: Tuân thủ thấp.
d) Mức 4: Không tuân thủ.
2. Mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được phân loại dựa trên các tiêu chí quy định tại Phụ lục I Thông tư này.
3. Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế theo dõi, xử lý như sau:
a) Đối với người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ, thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;
b) Đối với người nộp thuế thuộc các mức tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ, thực hiện phân tích bản chất hành vi để xác định biện pháp nâng cao tuân thủ.
Như vậy, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được đánh giá theo 04 mức độ sau đây:
- Mức 1: Tuân thủ cao.
- Mức 2: Tuân thủ trung bình.
- Mức 3: Tuân thủ thấp.
- Mức 4: Không tuân thủ.
Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được quy định như thế nào?
Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được quy định tại Điều 14 Thông tư 31/2021/TT-BTC như sau:
Căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế được quy định tại Điều 10 Thông tư 31/2021/TT-BTC, cơ quan thuế thực hiện phân tích bản chất hành vi, quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế với các biện pháp xử lý phù hợp với mỗi vấn đề tuân thủ như sau:
- Đối với trường hợp tuân thủ cao: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.
- Đối với các trường hợp cần nâng cao tuân thủ:
+ Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, các đại lý thuế để triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế; tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế;
+ Nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc kê khai, nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế;
+ Được phân loại rủi ro và áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với các mức rủi ro người nộp thuế quy định tại các Điều 15 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 16 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 17 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 18 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 19 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 20 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 21 Thông tư 31/2021/TT-BTC, Điều 22 Thông tư 31/2021/TT-BTC.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức tiền thưởng đối với chi bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” tiêu biểu trong năm là bao nhiêu?
- Hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất không đấu nối với hệ thống điện quốc gia cần thực hiện như thế nào?
- Mẫu đối chiếu biên lai thu tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT mới nhất? Hướng dẫn lập Mẫu đối chiếu biên lai thu tiền?
- Tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng có được điều chỉnh khi có sự thay đổi về phạm vi công việc theo yêu cầu của bên giao thầu?
- Danh sách 25 cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ theo Quyết định 3552/QĐ-BYT? Mục đích, yêu cầu của các cuộc thanh tra?