Có được thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh đối với công thức nấu ăn của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với đầu bếp không?
- Bí mật kinh doanh được hiểu như thế nào? Bí mật kinh doanh được bảo hộ cần những điều kiện gì?
- Có được thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh đối với công thức nấu ăn của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với đầu bếp không?
- Mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh là bao nhiêu?
Bí mật kinh doanh được hiểu như thế nào? Bí mật kinh doanh được bảo hộ cần những điều kiện gì?
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 giải thích từ ngữ như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
[...]
23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
[...]”
Theo đó, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ, cụ thể:
“Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”
Theo đó, bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Đồng thời, tại Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định những đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Theo đó, công thức nấu ăn có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh.
Có được thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh
Có được thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh đối với công thức nấu ăn của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với đầu bếp không?
Hiện nay pháp luật không có quy định liên quan trực tiếp là người sử dụng lao động được yêu cầu người lao động thực hiện làm cam kết bảo mật thông tin kế cả sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận về việc bảo vệ bí mật thông tin liên quan đến doanh nghiệp trong quá trình làm việc và sau khi nghỉ việc tại công ty dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 2 Điều 21 Bộ Luật lao động 2019 như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
"Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động
...
2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”
Như vậy, các bên có thể thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh đối với công thức nấu ăn của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với đầu bếp theo nội dung của hợp đồng lao động.
Mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh là bao nhiêu?
Theo khoản 15 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đặc biệt đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh như sau:
“Điều 14. Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
[...]
15. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 của Luật sở hữu trí tuệ;
b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại trên giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, gồm cả phương tiện dịch vụ, biển hiệu, bao bì hàng hóa gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
[...]”
Và tại điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
"a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 và điểm b khoản 16 Điều này;
b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, trang tin điện tử đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 15 và điểm b khoản 16 Điều này;
c) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 13 và điểm b khoản 15 Điều này; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 16 Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 13 và điểm a khoản 15 Điều này.”
Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh. Lưu ý: Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (khoản 1 Điều 2 Nghị định này).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?