Các báo hiệu thị giác về ban đêm được quy định như thế nào về thời gian chớp sáng? Báo hiệu hàng hải AIS là gì? Phương thức hoạt động của báo hiệu hàng hải AIS ra sao?
Đặc tính ánh sáng ban đêm của báo hiệu thị giác
Mục 2.7 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải QCVN 20:2015/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 75/2015/TT-BGTVT (gọi tắt là QCVN 20:2015/BGTVT) định nghĩa như sau:
(1) Ánh sáng chớp đơn
- Chu kỳ chớp từ 2,0 giây đến 15,0 giây;
- Thời gian tối giữa hai lần chớp sáng không được nhỏ hơn ba lần thời gian của một chớp sáng.
(2) Ánh sáng chớp nhóm
- Chu kỳ chớp từ 2,0 giây đến 20,0 giây đối với ánh sáng chớp nhóm 2; đến 30,0 giây đối với ánh sáng chớp nhóm 3 trở lên;
- Thời gian tối giữa các chớp sáng trong một nhóm bằng nhau và nhỏ hơn thời gian tối giữa các nhóm;
- Thời gian tối trong một nhóm không được nhỏ hơn thời gian của một chớp sáng;
- Thời gian tối giữa các nhóm không được nhỏ hơn 3 lần thời gian tối trong một nhóm;
- Đối với ánh sáng chớp nhóm 2, tổng thời gian sáng và thời gian tối trong nhóm không được nhỏ hơn 1,0 giây;
- Đối với ánh sáng chớp nhóm 3 trở lên, tổng thời gian sáng và thời gian tối trong một nhóm không được nhỏ hơn 2,0 giây;
- Ánh sáng chớp nhóm sử dụng cho đèn biển, đăng tiêu và chập tiêu gồm ánh sáng chớp nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5.
(3) Ánh sáng chớp nhóm hỗn hợp
Chu kỳ chớp tối đa không lớn hơn 30,0 giây.
(4) Ánh sáng chớp theo tín hiệu mã Morse
Chu kỳ chớp tối đa không lớn hơn 30,0 giây.
Báo hiệu hàng hải
Báo hiệu hàng hải AIS là gì?
Mục 1.3.28 QCVN 20:2015/BGTVT quy định báo hiệu hàng hải AIS (Automatic Identification System) là báo hiệu vô tuyến điện truyền phát thông tin an toàn hàng hải tới các trạm AIS được lắp đặt trên tàu, hoạt động trên các dải tần số VHF hàng hải.
Báo hiệu hàng hải AIS hoạt động như thế nào?
Mục 2.8 QCVN 20:2015/BGTVT quy định về báo hiệu hàng hải AIS như sau:
(1) Tác dụng
- Báo hiệu luồng hàng hải, vùng nước, phân luồng giao thông;
- Báo hiệu công trình trên biển;
- Cung cấp thông tin nhận dạng một báo hiệu hàng hải đang tồn tại và các thông tin về khí tượng, thủy văn khu vực đặt báo hiệu;
- Truyền phát thông tin giám sát vị trí của báo hiệu nổi.
(2) Phân loại và vị trí lắp đặt
Báo hiệu hàng hải AIS gồm ba loại, được lắp đặt như sau:
- Báo hiệu hàng hải AIS “thực”; được lắp đặt trên một báo hiệu hàng hải đã có để truyền phát thông tin về báo hiệu đó.
- Báo hiệu hàng hải AIS “giả”; được lắp đặt tại một vị trí bên ngoài báo hiệu hàng hải đã có để truyền phát thông tin về báo hiệu đó.
- Báo hiệu hàng hải AIS “ảo”; được lắp đặt tại một vị trí nào đó để truyền phát thông tin về một báo hiệu hàng hải tại một vị trí nhất định mà tại đó không lắp đặt báo hiệu.
(3) Phương thức hoạt động
Báo hiệu hàng hải AIS truyền phát dữ liệu đồng thời trên hai kênh VHF 161.975 MHz (87B) và 162.025 MHz (88B).
(4) Chế độ hoạt động
Khi hoạt động, báo hiệu hàng hải AIS sẽ phát liên tục và tự động các bức điện đã được định dạng trước. Khoảng thời gian giữa các bức điện được điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình giao thông hàng hải trong khu vực hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
(5) Thời gian hoạt động
Thời gian hoạt động của báo hiệu hàng hải AIS là 24 giờ/ngày.
(6) Thông tin truyền phát
Nội dung định dạng cho các thông tin truyền phát sử dụng cho báo hiệu hàng hải AIS gồm có 4 loại sau đây:
- Bức điện số 21: Điện báo các thông tin về báo hiệu hàng hải cho các tàu nằm trong tầm hiệu lực của báo hiệu hàng hải. Nội dung chính của bức điện này gồm:
+ Loại báo hiệu hàng hải.
+ Tên báo hiệu hàng hải.
+ Vị trí của báo hiệu hàng hải.
+ Độ chính xác vị trí báo hiệu hàng hải.
+ Kích thước của báo hiệu hàng hải và các vị trí liên quan.
+ Một số thông tin khác của cơ quan quản lý báo hiệu như tình trạng kỹ thuật của báo hiệu hàng hải.
- Bức điện số 12: Dành riêng cho các cơ quan quản lý báo hiệu sử dụng để phát các thông tin liên quan đến an toàn hàng hải cho các tàu nằm trong tầm hiệu lực của báo hiệu hàng hải.
- Bức điện số 8: Được sử dụng để gửi các thông tin khí tượng và thủy văn ở khu vực bố trí báo hiệu hàng hải cho các tàu nằm trong tầm hiệu lực của báo hiệu hàng hải.
- Bức điện số 6: Được sử dụng để gửi thông tin về tình trạng hoạt động của báo hiệu hàng hải, phục vụ cho việc giám sát tình trạng hoạt động của báo hiệu.
Báo hiệu âm thanh
Mục 2.10 QCVN 20:2015/BGTVT quy định như sau:
(1) Tác dụng
Báo hiệu âm thanh được lắp đặt tại các vị trí nguy hiểm cho hàng hải ở khu vực thường xuyên có sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn xa.
(2) Vị trí lắp đặt
Được lắp đặt tại các vị trí nguy hiểm cho tàu thuyền hành hải ở khu vực thường xuyên có sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn xa.
(3) Các thông số kỹ thuật
- Tần số âm phát từ 75 Hz đến 1.575 Hz;
- Mã tín hiệu: Tín hiệu âm thanh được phát theo tín hiệu mã Morse; khoảng thời gian tối thiểu của âm ngắn là 0,75 giây; âm dài bằng ba lần âm ngắn.
- Các mã tín hiệu âm thanh đặc biệt
+ Tín hiệu mã Morse chữ “U” dùng để báo hiệu công trình trên biển;
+ Tín hiệu mã Morse chữ “D” dùng để báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm.
(4) Điều kiện hoạt động: Báo hiệu âm thanh được sử dụng khi tầm nhìn xa khí tượng nhỏ hơn hoặc bằng 2 hải lý
Như vậy, báo hiệu hàng hải AIS dùng để báo hiệu luồng hàng hải, vùng nước, phân luồng giao thông, báo hiệu công trình trên biển, cung cấp thông tin nhận dạng một báo hiệu hàng hải đang tồn tại và các thông tin về khí tượng, thủy văn khu vực đặt báo hiệu, truyền phát thông tin giám sát vị trí của báo hiệu nổi. Và báo hiệu âm thanh sử dụng ở khu vực thường xuyên có sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn xa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không xi nhan phạt bao nhiêu 2025? Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ 2025 như thế nào?
- Tỉa chân nhang trước hay sau cúng ông công ông táo 2025? Lưu ý khi rút tỉa chân hương cúng ông công ông táo 2025?
- Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong những trường hợp nào theo Nghị định 175?
- Đối tượng nghỉ hưu trước tuổi được hưởng 3 loại trợ cấp theo Nghị định 178? Hướng dẫn cách tính trợ cấp được hưởng?
- Mẫu Tờ trình thành lập chi bộ mới nhất là mẫu nào? Tải mẫu? Điều kiện thành lập chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở?