Bị đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm không? Kháng cáo quá thời hạn quy định thì có được chấp nhận hay không?
Quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bị đơn dân sự, theo đó quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự trong tố tụng hình sự là:
(1) Bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định;
- Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
- Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại;
- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa;
- Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Bị đơn dân sự có nghĩa vụ:
- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bị đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm không?
Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những người sau đây là người có quyền kháng cáo:
- Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Như vậy, theo quy định trên, bị đơn dân sự là người có quyền kháng cáo phần bản án sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
Kháng cáo quá thời hạn có được chấp nhận không?
Kháng cáo quá thời hạn quy định thì có được chấp nhận hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về việc kháng cáo quá hạn như sau:
“1. Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.”
Như vậy, việc kháng cáo quá hạn của bạn vẫn có thể được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà bạn không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do quy định.
Thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo quá hạn được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về kháng cáo quá hạn, theo đó việc tiếp nhận và xử lý kháng cáo quá hạn được thực hiện như sau:
(1) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
(2) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.
(3) Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.
(4) Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Trên đây là những quy định pháp luật mới nhất liên quan đến việc thực hiện kháng cáo quá hạn. Bạn có thể tham khảo và đối chiếu với trường hợp của mình để việc kháng cáo được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
- Việc ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành được thực hiện thế nào?