Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu làm chậm tiến độ theo hợp đồng không?
Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu làm chậm tiến độ theo hợp đồng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Luật Xây dựng 2014 có quy định về quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng của các bên như sau:
Tạm dừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng
1. Các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong trường hợp sau:
a) Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết;
b) Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán.
2. Bên giao thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau:
a) Bên nhận thầu bị phá sản hoặc giải thể;
b) Bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.
3. Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:
a) Bên giao thầu bị phá sản hoặc giải thể;
b) Do lỗi của bên giao thầu dẫn tới công việc bị dừng liên tục vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
c) Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.
Do đó, bên giao thầu có thể chấm dứt hợp đồng xây dựng nếu như bên còn lại làm chậm tiến độ theo thỏa thuận.
Theo đó, bên giao thầu trước khi chấm dứt hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu làm chậm tiến độ phải thông báo cho bên kia bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng, chấm dứt hợp đồng; trường hợp không thông báo mà gây thiệt hại cho bên nhận thầu thì phải bồi thường thiệt hại.
Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu làm chậm tiến độ theo hợp đồng không? (Hình từ Internet).
Trách nhiệm của các bên khi làm chậm tiến độ hợp đồng xây dựng theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo khoản 3, khoản 4 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 có quy định về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng như sau:
Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
...
3. Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau:
a) Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
b) Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.
4. Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:
a) Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;
b) Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;
c) Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;
d) Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, ngoài mức phạt chậm tiến độ hợp đồng xây dựng như đã nêu, bên có lỗi trong việc gây ra tình trạng chậm tiến độ hợp đồng xây dựng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia, cụ thể:
Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong trường hợp chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra.
Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong trường do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu.
Các bên có thể thỏa thuận cách xác định thiệt hại mà bên vi phạm phải bồi thường vào điều khoản cụ thể của hợp đồng xây dựng.
Triển khai xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ theo quy định bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản có sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản
...
3. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định;
b) Kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định;
c) Triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi triển khai xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng.
Mức phạt trên là mức phạt đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức là 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (Căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong công đoàn theo Quyết định 684?
- Dấu hợp quy được sử dụng như thế nào? Tổ chức công bố hợp quy sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa khi nào?
- 09 Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo Thông tư 53?
- Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực thực hiện với nguồn phát thải khí nhà kính nào?
- Chi phí bán hàng là gì? Cách hạch toán chi phí bán hàng theo Thông tư 200? Tài khoản chi phí bán hàng?