Xe ô tô tải có trọng tải dưới 1,25 tấn thì có được đi vào nội thành Hà Nội trong khung giờ cao điểm không?
- Xe ô tô tải có trọng tải dưới 1,25 tấn thì có được đi vào nội thành Hà Nội trong khung giờ cao điểm không?
- Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép cho xe ô tô tải dưới 1,25 tấn đi vào khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông?
- Việc xe ô tô tải dưới 1,25 tấn đi vào khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông có thể bị xử phạt như thế nào?
Xe ô tô tải có trọng tải dưới 1,25 tấn thì có được đi vào nội thành Hà Nội trong khung giờ cao điểm không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Quy định) ban hành kèm theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định 24/2020/QĐ-UBND quy định như sau:
“Điều 5. Thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế
1. Các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 1,50 tấn (không bao gồm xe bán tải ‘xe Pickup’, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg) chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm trên các tuyến đường.
Cấm hoạt động trong giờ cao điểm.”
Giờ cao điểm: là khoảng thời gian được quy định như sau: Sáng từ 6h00’ đến 9h00’, chiều từ 16h00’ đến 19h30’ hàng ngày theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 24/2020/QĐ-UBND.
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp của bạn xe tải dưới 1,25 tấn thì chỉ được lưu thông trong nội thành thành phố Hà Nội ngoài khung giờ cao điểm các tuyến đường.
Tức là xe anh được phép lưu thông trong nội thành Hà Nội từ 19h30' ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau và từ 9h00' đến 16h00' cùng ngày. Xe ô tô tải có trọng tải dưới 1,25 tấn không được đi vào nội thành Hà Nội trong khung giờ cao điểm.
Xe ô tô tải (Hình từ Internet)
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép cho xe ô tô tải dưới 1,25 tấn đi vào khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND, được sửa đổi bởi điểm b khoản 6 Điều 1 Quyết định 24/2020/QĐ-UBND về phân công trách nhiệm như sau:
"Điều 8. Phân công trách nhiệm
1. Giao Sở Giao thông Vận tải
...
2. Công an thành phố có trách nhiệm
a. Chỉ đạo các lực lượng chức năng hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định này theo thẩm quyền.
b) Chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 10 tấn, xe ô tô vận tải hành khách được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.
c. Phối hợp, hỗ trợ Sở Giao thông vận tải giám sát thực hiện Quy định này.
3. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Quy định hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
4. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã
..."
Theo quy định nêu trên, Công an thành phố có trách nhiệm chấp thuận xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép đến 10 tấn, xe ô tô vận tải hành khách được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo luồng tuyến nhất định, ngoài thời gian cho phép hoạt động theo quy định này khi có ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.
Như vậy, trường hợp xe bạn là ô tô tải dưới 1,25 tấn muốn hoạt động trong khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông cần xin giấy phép lưu hành và được chấp thuận từ Công an thành phố.
Việc xe ô tô tải dưới 1,25 tấn đi vào khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông có thể bị xử phạt như thế nào?
Theo Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND quy định mọi hành vi vi phạm Quy định này của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị như sau:
"Điều 27. Xử phạt người điều khiển xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không chạy đúng tuyến, phạm vi, thời gian quy định.
2. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng."
Theo đó, người điều khiển xe chở hàng khác cụ thể là xe ô tô tải dưới 1,25 tấn đi vào khung giờ cao điểm quy định không được phép lưu thông thì bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đồng thời, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 5+ mẫu thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 online đẹp, chuyên nghiệp? Tạo thiệp thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 thế nào?
- Toàn bộ Công văn 7619-CV/BTCTW hướng dẫn khung Quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cơ sở? Tải Công văn 7619?
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?
- Mẫu Quyết định khen thưởng nhân viên xuất sắc dịp Tết cuối năm? Tải về Mẫu Quyết định khen thưởng?
- Từ năm 2025, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông, người lái xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu?