Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là gì? Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng?
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là gì? Có được từ chối giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng được hiểu là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Theo đó, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là gì? Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là gì?
Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng được quy định tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
(1) Việc áp dụng tập quán được thực hiện như sau:
- Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định.
Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.
- Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng.
- Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015.
- Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
(2) Việc áp dụng tương tự pháp luật được thực hiện như sau:
- Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 và mục (1) nêu trên.
- Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
(3) Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau:
- Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015, mục (1) và Mục (2) nêu trên.
- Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.
- Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.
- Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.
Thời gian nào không được tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự?
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
(1) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Trong đó:
- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
(2) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
(3) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
- Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
- Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mức phạt lỗi đè vạch xương cá 2025 là bao nhiêu? Quy định về vạch xương cá cần phải nắm rõ?
- Đáp án Vòng 2 Chủ đề cao trào cuộc thi tìm hiểu truyền thống 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên và hội sinh viên Việt Nam?
- Lỗi đi sai làn đường xe ô tô 2025 mới nhất? Xe ô tô đi sai làn đường phạt bao nhiêu theo Nghị định 168 giao thông?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Lỗi đi qua đường không có tín hiệu bằng tay bị phạt bao nhiêu 2025 theo Nghị định 168?
- Ngày 10 tháng 1 có gì đặc biệt? Ngày 10 tháng 1 cung gì? Ngày 10 tháng 1 có phải là ngày lễ lớn của Việt Nam?