Việc kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi được thực hiện như thế nào theo quy định hiện nay?
Kiểm tra an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi tại cảng hàng không được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 44 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Thông tư 41/2020/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi như sau:
- Nhân viên làm thủ tục vận chuyển phải yêu cầu từng hành khách xác định đúng hành lý ký gửi của mình mới được phép làm thủ tục vận chuyển, không làm thủ tục nhóm trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 41 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT; trường hợp thấy có dấu hiệu nghi vấn phải thông báo cho nhân viên kiểm soát an ninh hàng không để tăng cường kiểm tra.
- Hành lý ký gửi của hành khách xuất phát, nối chuyển phải được kiểm tra an ninh hàng không bằng máy soi tia X; nếu có nghi vấn phải được tiếp tục kiểm tra trực quan hoặc kiểm tra bằng dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ hoặc các biện pháp thích hợp khác. Trường hợp có dấu hiệu hoặc có thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, an toàn của chuyến bay thì hành lý ký gửi phải được lục soát an ninh hàng không.
- Tại mỗi điểm kiểm tra an ninh hàng không phải bố trí đủ nhân viên kiểm soát an ninh hàng không bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ sau:
+ Giám sát màn hình máy soi tia X; nhiệm vụ này được thực hiện liên tục không quá 30 phút và chỉ quay trở lại thực hiện tối thiểu là 15 phút sau đó;
+ Kiểm tra trực quan, lục soát an ninh hàng không;
+ Kíp trưởng chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và giám sát toàn bộ công việc tại điểm kiểm tra an ninh hàng không.
- Trình tự, thủ tục kiểm tra, giám sát an ninh hành lý ký gửi được quy định chi tiết tại quy chế an ninh hàng không của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không.
- Kiểm tra trực quan đối với hành lý ký gửi của hành khách được thực hiện với sự có mặt của chủ sở hữu hành lý đó hoặc người đại diện hợp pháp của họ hoặc đại diện hãng hàng không vận chuyển, trừ trường hợp khẩn nguy.
- Hành lý ký gửi quá cảnh, nối chuyến, đi chuyến bay tạm dừng nội địa đã đưa xuống khỏi tàu bay, trước khi đưa lên tàu bay phải qua kiểm tra an ninh hàng không như hành lý ký gửi xuất phát, trừ các trường hợp đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Hành lý không rời khỏi sân đỗ tàu bay hoặc có sự giám sát an ninh hàng không liên tục từ khi đưa xuống khỏi tàu bay cho đến khi được đưa lại lên tàu bay;
+ Hành lý có dán thẻ quá cảnh, nối chuyến, tạm dừng nội địa.
Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi tại cảng hàng không (Hình từ Internet)
Việc giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi tại cảng hàng không được thực hiện ra sao?
Theo Điều 45 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về việc giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi tại cảng hàng không như sau:
Giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi
1. Hành lý ký gửi của hành khách xuất phát, nối chuyến, quá cảnh sau khi làm thủ tục chấp nhận vận chuyển và kiểm tra an ninh hàng không phải được giám sát liên tục bằng ca-me-ra giám sát an ninh hoặc do nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trực tiếp giám sát hoặc cả hai biện pháp cho đến khi đưa lên tàu bay, không được để những người không có trách nhiệm tiếp cận hành lý ký gửi.
2. Khu vực băng chuyền hành lý ký gửi, khu vực phân loại hành lý ký gửi phải được kiểm soát và giám sát liên tục bằng ca-me-ra giám sát an ninh hoặc do nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trực tiếp giám sát hoặc cả hai biện pháp, người không có trách nhiệm không được phép tiếp cận những khu vực này.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hành lý ký gửi từ nhà ga ra tàu bay và ngược lại chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa việc mất mát tài sản trong hành lý ký gửi, ngăn chặn việc đưa hành lý ký gửi không được phép vận chuyển lên băng chuyền, xe chở hành lý.
4. Hành lý ký gửi bị rách, vỡ, bung khóa không còn nguyên vẹn trước khi chất xếp lên tàu bay hoặc có dấu hiệu bị can thiệp trái phép phải được tái kiểm tra an ninh hàng không. Việc tái kiểm tra an ninh hàng không phải được lập biên bản. Trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm sự nguyên vẹn của hành lý, quy trình quản lý, giám sát, xử lý cụ thể đối với hành lý không còn nguyên vẹn trước khi chất xếp lên tàu bay hoặc có dấu hiệu bị can thiệp trái phép phải được quy định trong chương trình an ninh, quy chế an ninh hàng không của doanh nghiệp.
Hãng hàng không hoặc người khai thác tàu bay phải bảo đảm các hành lý ký gửi tuân thủ theo những gì?
Cụ thể tại Điều 46 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT, việc vận chuyển đồng bộ hành khách và hành lý có quy định như sau:
Vận chuyển đồng bộ hành khách và hành lý
1. Hành lý của mỗi hành khách phải được vận chuyển cùng với hành khách trên một chuyến bay trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 149 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Hãng hàng không hoặc người khai thác tàu bay phải bảo đảm:
a) Mỗi kiện hành lý ký gửi phải có thẻ hành lý ghi rõ số chuyến bay, ngày, tháng, năm và mã số của kiện hành lý;
b) Trước chuyến bay, lập bảng kê hành lý ký gửi và thực hiện đối chiếu hành lý ký gửi với danh sách hành khách của chuyến bay;
c) Ký bảng kê danh mục hành lý ký gửi đã chất xếp lên tàu bay.
3. Trong trường hợp hành khách đã được cấp thẻ lên tàu bay nhưng không có mặt để thực hiện chuyến bay, hãng hàng không có trách nhiệm đảm bảo tất cả hành lý của hành khách đó phải được đưa xuống tàu bay trước khi cho tàu bay khởi hành.
4. Trừ túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý ký gửi vận chuyển không cùng với hành khách trên chuyến bay theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam phải áp dụng ít nhất một trong các biện pháp kiểm tra an ninh hàng không bổ sung sau đây và phải được lập thành biên bản:
a) Soi chiếu bằng máy soi tia X đối với đồ vật ở các tư thế khác nhau;
b) Kiểm tra bằng dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ.
Như vậy, đối với hàng hóa ký gửi thì phải bảo đảm được các yêu cầu như trên. Trừ túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý ký gửi vận chuyển không cùng với hành khách trên chuyến bay theo quy định thì với các hàng hóa còn lại phải thực hiện ít nhất một trong các biện pháp và lập thành biên bản bao gồm:
- Soi chiếu bằng máy soi tia X đối với đồ vật ở các tư thế khác nhau;
- Kiểm tra bằng dụng cụ, thiết bị phát hiện chất nổ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?