Văn phòng Thừa phát lại bị chấm dứt hoạt động trong những trường hợp nào? Khi chấm dứt hoạt động thì Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ gì?
Văn phòng Thừa phát lại bị chấm dứt hoạt động trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại sẽ bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Văn phòng Thừa phát lại tự chấm dứt hoạt động;
- Văn phòng Thừa phát lại bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này;
- Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất, bị sáp nhập.
Chấm dứt hoạt động Văn phòng Thừa phát lại (Hình từ Internet)
Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ gì khi chấm dứt hoạt động?
Căn cứ theo Điều 30 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì khi chấm dứt hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại sẽ có những nghĩa vụ sau đây:
(1) Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tự chấm dứt hoạt động:
- Chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.
- Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ:
+ Nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành thủ tục chấm dứt hợp đồng đã ký với người lao động,
+ Thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ đã ký kết; trường hợp không thể thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ đã ký kết thì phải thỏa thuận với người yêu cầu về việc thực hiện các hợp đồng đó.
(2) Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập:
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ:
+ Nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động;
+ Đối với hợp đồng dịch vụ đã ký kết mà chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì phải chấm dứt hợp đồng.
- Hết thời hạn nêu trên mà Văn phòng Thừa phát lại chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài sản hoặc trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập vì Trưởng Văn phòng hoặc toàn bộ Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì:
Tài sản của Văn phòng Thừa phát lại, của Thừa phát lại hợp danh được sử dụng để thanh toán các khoản nợ của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật dân sự.
(3) Trường hợp chấm dứt hoạt động do Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất, bị sáp nhập thì quyền, nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại sẽ do Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất hoặc Văn phòng Thừa phát lại nhận sáp nhập tiếp tục thực hiện.
Văn phòng Thừa phát lại khi hoạt động sẽ có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Theo Điều 18 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại sẽ có những quyền và nghĩa vụ như sau:
(1) Văn phòng Thừa phát lại có quyền
- Ký hợp đồng lao động với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ làm việc cho Văn phòng mình;
- Thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;
- Ký hợp đồng, thỏa thuận với người yêu cầu theo quy định của Nghị định này;
- Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
(2) Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ:
- Quản lý Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ của Văn phòng mình trong việc tuân thủ pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại;
- Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, báo cáo, thống kê;
- Niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại, nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở Văn phòng;
- Thu đúng chi phí đã thỏa thuận với người yêu cầu;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại của Văn phòng mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật;
- Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý người tập sự trong thời gian tập sự tại Văn phòng mình;
- Tạo điều kiện cho Thừa phát lại của Văn phòng mình tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, cung cấp thông tin về hợp đồng dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ Thừa phát lại;
- Lập, quản lý, sử dụng sổ sách, hồ sơ nghiệp vụ và thực hiện lưu trữ theo quy định;
- Bảo đảm trang phục cho Thừa phát lại của Văn phòng mình theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai chuẩn Nghị định 99? Hướng dẫn ghi Sổ đăng ký thế chấp?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?
- Kinh doanh là gì? Có thể hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh hay không?
- Đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nước thải sinh hoạt thì có thuộc đối tượng phải đóng phí bảo vệ môi trường?
- Thông qua Nghị quyết giảm thuế GTGT 06 tháng đầu năm 2025 ngay trong tháng 11/2024 đúng không? Công văn 12477 lập đề nghị giảm thuế GTGT thế nào?