Vạch mắt võng có ý nghĩa gì? Vạch mắt võng có được đi thẳng không? Vị trí đặt vạch mắt võng theo Quy chuẩn 41?
Vạch mắt võng có ý nghĩa gì? Vạch mắt võng có được đi thẳng không?
* Vạch mắt võng có ý nghĩa gì?
Tại Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT có quy định về ý nghĩa sử dụng của vạch mắt võng như sau:
e. Vạch 4.4: Vạch kẻ kiểu mắt võng
Ý nghĩa sử dụng: Vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
...
Đồng thời căn cứ Điều 30 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT có quy định:
Vị trí đặt biển báo nguy hiểm và cảnh báo theo chiều đi và hiệu lực tác dụng của biển
...
30.7. Tại các nơi đường được ưu tiên giao với các đường khác mà không được xem là nơi đường giao nhau theo quy định của Quy chuẩn này thì không cần đặt các biển W.207, W.208. Tuy nhiên, có thể sử dụng các biển này hoặc sử dụng vạch sơn kiểu mắt võng khi xử lý vị trí là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm đen tai nạn giao thông.
Theo đó, vạch mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
Ngoài ra thì còn có thể sử dụng vạch mắt võng khi xử lý vị trí là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, điểm đen tai nạn giao thông.
* Vạch mắt võng có được đi thẳng không?
Như đã phân tích ở trên thì không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch mắt võng. Tuy nhiên, khi đi qua vạch mắt võng có thể gặp phải những trường hợp sau:
(1) Trên vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng:
+ Lái xe đi qua vạch mắt võng thì không vi phạm luật;
+ Nếu dừng xe trên phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch mắt võng thì bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
(2) Trên vạch mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi:
+ Lái xe đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua;
+ Nếu lái xe đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên thì vẫn bị xem là vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.
Như vậy, vạch mắt võng có được đi thẳng hay không thì còn tùy thuộc vào hướng mũi tên và tín hiệu đèn, nếu trên vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng và đèn tín hiệu cho phép thì có thể đi thẳng, nếu trên vạch mắt võng có mũi tên chỉ hướng thì phải đi theo hướng mũi tên.
Vạch mắt võng có ý nghĩa gì? Vạch mắt võng có được đi thẳng không? (Hình từ Internet)
Vị trí đặt vạch mắt võng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT?
Vị trí đặt vạch mắt võng được quy định tại Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 51/2024/TT-BGTVT như sau:
- Sử dụng vạch mắt võng ở các vị trí thích hợp (nút giao xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nút giao với Đường sắt, cổng trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính).
- Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường không cho phép dừng xe. Tùy theo mặt bằng nút giao rộng, hẹp để bố trí vạch mắt võng như dưới đây để đảm bảo cân đối, mỹ quan.
Minh họa:
Quy cách vạch như sau:
- Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20 cm - 40 cm (xem minh họa trên Hình G.38 và G.39.)
- Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 m - 5m.
Vạch kẻ đường có phải là báo hiệu đường bộ không?
Căn cứ Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
Chấp hành báo hiệu đường bộ
1. Báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
...
6. Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
7. Cọc tiêu, tường bảo vệ để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
8. Rào chắn để ngăn không cho người, phương tiện qua lại.
9. Đinh phản quang, tiêu phản quang để thông tin, cảnh báo về phần đường, làn đường.
...
Theo đó, vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại. Và cũng theo quy định trên thì vạch kẻ đường là một trong những loại báo hiệu đường bộ.
Lưu ý: Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
(1) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
(2) Tín hiệu đèn giao thông;
(3) Biển báo hiệu đường bộ;
(4) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
(5) Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang,
cột Km, cọc H;
(6) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức trong nước được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có phụ thuộc vào nơi cư trú không?
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13990:2024 truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đối với logistic chuỗi lạnh cho thực phẩm ra sao?
- Lệ phí, hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài theo Nghị định 175 là gì?
- Hồ sơ đề nghị cấp và điều chỉnh giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài theo Nghị định 175?
- Các chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng theo Nghị định 177/2024 gồm những gì?