Trường hợp là người lao động cao tuổi thì sẽ được doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ bao lâu một lần?
Người lao động cao tuổi là ai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 quy định về người lao động cao tuổi như sau:
"1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này."
Và căn cứ theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
"2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035."
Như vậy người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động khi đã đến tuổi về hưu như quy định trên.
Người lao động cao tuổi
Sử dụng người lao động cao tuổi được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định về sử dụng người lao động cao tuổi như sau:
"1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc."
Như vậy đối với việc sử dụng người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định trên.
Khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động cao tuổi được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
"1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ."
Như vậy, trong trường hợp công ty có sử dụng người lao động cao tuổi thì sẽ tiến hành khám sức khỏe định kỳ ít nhất là 06 tháng một lần (ít nhất 02 lần trong năm).
Về việc khám sức khỏe, nội dung khám sức khỏe định kỳ tiến hành theo hướng dẫn tại Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động cao tuổi sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động."
Và mức phạt trên áp dụng với cá nhân, trong trường hợp là tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đáp án tuần 4 Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu 75 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc chi tiết và mới nhất?
- Cách viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024 mẫu 2A và 2B đối với cán bộ, công chức, viên chức mới nhất?
- Bán dâm là gì? Bán dâm có bị phạt tù không? Nếu có thì phạt tù bao nhiêu năm theo pháp luật hình sự?
- Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Sư phạm Hà Nội (HSA)? Chi tiết cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025?
- Tải phiếu Đảng viên mẫu 2 HSĐV word năm 2024 và cách ghi? Nhiệm vụ của Đảng viên trong giai đoạn hiện nay là gì?